Hà Nội

Trẻ nên và không nên ngủ như thế nào?

31-03-2014 20:34 | Đời sống
google news

Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ nhỏ vì thời gian trẻ ngủ là lúc tế bào não phát triển nhiều nhất. Tuy nhiên, thực tế một số trẻ có những thói quen ngủ không đúng gây hại cho sức khỏe của trẻ. Vậy trẻ nên hay không nên ngủ như thế nào?

Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ nhỏ vì thời gian trẻ ngủ là lúc tế bào não phát triển nhiều nhất. Tuy nhiên, thực tế một số trẻ có những thói quen ngủ không đúng gây hại cho sức khỏe của trẻ. Vậy trẻ nên hay không nên ngủ như thế nào?

Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, các nghiên cứu đã cho thấy trong 3 năm đầu đời trẻ đã đạt được 80% lượng tế bào não cần thiết cho cả cuộc đời, đặc biệt trong 30 ngày đầu tiên sau sinh trẻ đã có tới 80% lượng tế bào não so với 3 tháng tuổi.

Điều quan trọng nữa là sự phát triển của bộ não không lập lại lần thứ 2 trong đời, chính vì vậy giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ, khi trẻ ngủ là lúc trẻ xử lý những thông tin tiếp nhận trong ngày, đây cũng là thời điểm trẻ sản xuất hormon tăng trưởng có ích cho sự phát triển của xương và cơ bắp.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ nhi khoa, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ có một giấc ngủ sâu bởi vì nếu giấc ngủ có thể dẫn đến mệt mỏi, mất tập trung, giảm trí nhớ, hay quấy khóc, cáu kỉnh vào ban ngày, nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi sau này khi trưởng thành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thói quen ngủ không đúng

Giấc ngủ quá dài: thông thường không nên để giấc ngủ ngày quá 17h (5h chiều), đối với trẻ lớn việc xem tivi quá trễ cũng có thể làm trẻ dậy muộn vào sáng hôm sau gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Trẻ thói quen phụ thuộc vào võng, vào nôi điện, thậm chí vào Mẹ, nếu không có những dụng cụ trên bé nhất định không ngủ hoặc khi Mẹ có việc đột xuất, Mẹ bị ốm bé khó ngủ thậm chí có thể khóc cả đêm.

Trẻ ngủ trong môi trường quá ồn ào, quá nhiều ánh sáng cũng như việc thay đổi nơi ngủ thường xuyên khi trẻ còn quá bé cũng tạo cho trẻ cảm giác không an toàn, khó ngủ.

Những điều nên và không nên hạn chế rối loạn giấc ngủ của trẻ

Nên

- Tập thói quen tốt trước ngủ bằng các hoạt động cá nhân như rửa mặt, rửa tay chân, tắm, massage, thay quần áo thoáng mát cho trẻ…..bạn làm việc này hàng ngày liên tục lập đi lập lại là bạn đã tạo cho trẻ phản xạ có điều kiện, tức là khi bắt đầu thay quần áo là bé biết rằng đã đến giờ ngủ.

- Nên dạy bé học cách tự ngủ và ngủ một mình. Điều này cũng là một phần tạo cho bé tính tự lập sau này.

- Tạo cảm giác an toàn trước khi ngủ bằng cách cho bé mang theo những vật mà bé yêu thích lên giường như gấu bông, búp bê, gối ôm….

- Cố gắng duy trì thời gian ngủ và thức ngay cả trong những ngày nghỉ cuối tuần.

- Nên đánh thức bé một cách từ từ và thật nhẹ nhàng, tránh khiến bé giật mình. Sau khi tỉnh giấc nên để 2 -3 phút cho cơ thể bé được tỉnh táo hẳn, có thể cho bé uống một cốc nước.

Không nên

- Không nên tạo thói quen đung đưa, nằm võng, nằm nôi điện khi cho bé ngủ vô tình tạo cho trẻ sự phụ thuộc không tự vào giấc ngủ.

- Không ăn khi ngủ: dễ sặc, dễ sâu răng, dễ rối loạn tiêu hóa.

- Lẫn lộn giữa ngày và đêm: Bé sẽ không ngủ suốt đêm nếu như bé không biết phân biệt giữa ngày và đêm, không biết sự khác nhau giữa ánh sáng và bóng tối, bạn nên giữ phòng bé đầy ánh sáng vào ban ngày và hạn chế ánh sáng lọt vào khi trời tối.

- Vận động quá nhiều, đùa giỡn quá nhiều trước ngủ, xem tivi, chơi game trước ngủ.

Giấc ngủ của trẻ theo độ tuổi:

Đối với trẻ sơ sinh: Những tuần đầu trẻ có thể ngủ suốt 18h- 20h vào bất cứ lúc nào trong ngày, mỗi giấc có thể kéo dài từ 30 phút đến 3 giờ.

Đối với trẻ <6 tháng: Trẻ ngủ theo nhu cầu, độ tuổi này đã bắt đầu hình thành chu kỳ thức ngủ, giấc ngủ đêm kéo dàikhoảng 9,5 đến 11,5 tiếng, giấc ngủ ngày ngắn hơn khoảng từ 3,5 đến 5,5 tiếng.

Đối với trẻ từ 6 tháng - 1 tuổi: Trẻ ngủ theo nhu cầu và nhịp sinh học, giấc ngủ đã bắt đầu đi vào giờ giấc, giấc ngủ ban ngày từ 3-4 giấc giảm xuống chỉ còn 1-2 giấc, tổng số thời gian ngủ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 1 tuổi là khoảng 14 giờ/ ngày.

- Đối với trẻ trên18 tháng bé nhu cầu ngủ ngày đã bắt đầu giảm xuống.


Ý kiến của bạn