Trẻ mắc viêm tai giữa có nguy hiểm không?

02-07-2025 05:28 | Phòng mạch online

SKĐS - Viêm tai giữa cấp là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa trong vòng 3 tuần, gây sưng, đau, sốt, chảy dịch, màng nhĩ đỏ. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi khác nhau, thường gặp nhất ở trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi do cấu trúc tai của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, hệ miễn dịch còn yếu.

Những sai lầm cần tránh trong cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữaNhững sai lầm cần tránh trong cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa

SKĐS - Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng trong tai giữa. Bên cạnh việc điều trị, chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cũng cần đúng cách.

Dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ

Viêm tai giữa xảy ra khi tất cả hệ thống xương chũm và hòm nhĩ bị viêm nhiễm. Khi mắc bệnh thì bên trong hòm nhĩ của trẻ sẽ có dịch, dịch này có thể là dịch vô trùng hoặc nhiễm trùng. Bệnh viêm tai giữa thường gặp vào thời điểm giao mùa hoặc vào mùa mưa.

Viêm tai giữa là căn bệnh thường gặp ở trẻ, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách có thể khiến cho bệnh tái phát nhiều lần, dẫn đến những biến chứng về sức khỏe lâu dài cho trẻ.

Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi khác nhau, thường gặp nhất ở trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi, do lúc này cấu trúc tai của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, hệ miễn dịch còn yếu. Ngoài ra, còn có nhóm trẻ sau đây cũng dễ mắc bệnh viêm tai giữa cấp:

  • Trẻ thường xuyên ngậm núm vú giả, bú bình.
  • Trẻ đi nhà trẻ.
  • Trẻ tiếp xúc không khí ô nhiễm.
  • Bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi xoang hoặc có viêm tai gần đây.
  • Dị tật bẩm sinh vùng mũi họng làm tăng nguy cơ viêm tai giữa.

Các dấu hiệu để nhận biết viêm tai giữa cấp sẽ khác nhau, tùy theo lứa tuổi, cần phải lưu ý để kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị:

  • Trẻ sơ sinh biểu hiện không rõ ràng, có khi chỉ là kích thích, quấy khóc, bú kém hay bỏ bú.
  • Trẻ lớn hơn thì bị sốt, có thể sốt cao 39 độ C, thường theo sau một nhiễm trùng hô hấp trên cấp, trẻ hay kéo tai, gãi tai, dụi tai hoặc trẻ kêu đau trong tai.
  • Trẻ lớn có biểu hiện nghe kém, cảm giác đầy tai.
  • Các triệu chứng ít gặp: Ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Các biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa

Biến chứng trong xương thái dương: Thủng màng nhĩ, viêm xương chũm cấp, liệt mặt, viêm mê nhĩ cấp, viêm xương đá, viêm tai xương chũm hoại tử, viêm tai giữa mạn mủ, viêm tai giữa tiết dịch.

Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, viêm não, áp xe não, áp xe dưới màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên.

Biến chứng toàn thân: Nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm khớp nhiễm khuẩn.

Trẻ mắc viêm tai giữa có nguy hiểm không?- Ảnh 2.

Viêm tai giữa xảy ra khi tất cả hệ thống xương chũm và hòm nhĩ bị viêm nhiễm.

Trẻ bị viêm tai giữa có tắm gội bình thường được không?

Sau khi thăm khám cho trẻ và kê đơn, bác sĩ thường dặn dò cha mẹ cách chăm sóc, cho trẻ uống thuốc. Cha mẹ nhớ tuân thủ đúng hướng dẫn từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự dừng thuốc, đổi sang mua thuốc khác điều trị cho con. Điều này dễ dẫn tới di chứng nặng nề của thuốc như điếc không phục hồi... Muốn an tâm hơn hãy cho con đi tái khám hoặc liên hệ bác sĩ để hỏi rõ cách xử trí.

Trẻ bị viêm tai giữa vẫn có thể tắm gội, nhưng cần tránh để nước lọt vào tai, đặc biệt nếu trẻ bị thủng màng nhĩ hoặc đang nhỏ thuốc tai. Cha mẹ có thể sử dụng bông tai chống nước hoặc mũ trùm đầu khi tắm để bảo vệ tai trẻ.

Cha mẹ cần chú ý tới chế độ ăn uống vệ sinh, đủ chất và hợp lý, bởi trong những triệu chứng khi mắc bệnh viêm tai giữa là trẻ thường chán ăn, bỏ ăn. Để trẻ có đủ dinh dưỡng, tăng đề kháng giúp nhanh khỏi bệnh thì cha mẹ cần dỗ dành trẻ ăn, chia nhỏ bữa ăn chứ không nhất thiết ăn nhiều như hàng ngày. Chú ý chọn các thực phẩm ít mùi giàu dinh dưỡng, dễ tiêu cho trẻ. Tăng cường cho trẻ uống nước trái cây giàu vitamin C. Riêng với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn nên cho con bú nhiều lần nhất có thể.

Điều trị viêm tai giữa ở trẻ

Hiện nay phương pháp chủ yếu điều trị bệnh lý trên chính là sử dụng kháng sinh từ 10 – 14 ngày (đối với trẻ dưới 2 tuổi có khi phải sử dụng kéo dài đến 20 ngày. Nếu sau 48 giờ các triệu chứng không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng hơn thì hãy tái khám ngay để được theo dõi, chăm sóc và điều trị kịp thời, hiệu quả.

Tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ, trẻ càng nhỏ càng có nhiều nguy cơ nặng hơn. Nếu trẻ được thăm khám sớm và điều trị đúng, kịp thời có thể phục hồi hoàn toàn. Do đó, cha mẹ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và chăm sóc trẻ đúng nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm, gây tổn hại sức khỏe của trẻ.

Trong hầu hết các trường hợp thì viêm tai giữa không gây điếc vĩnh viễn nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên nếu tình trạng tái phát nhiều lần hoặc kéo dài mà không được can thiệp, trẻ có thể gặp phải suy giảm thính lực, ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ.

Tóm lại viêm tai giữa ở trẻ em mặc dù là bệnh lành tính nhưng phụ huynh không nên chủ quan, vì các biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng tới thính lực của trẻ suốt đời. Phụ huynh nên đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám để được điều trị phù hợp, giúp mau khỏi bệnh, tránh biến chứng nghiêm trọng.

Biến chứng viêm tai giữa ở trẻ nguy hiểm hơn bạn tưởngBiến chứng viêm tai giữa ở trẻ nguy hiểm hơn bạn tưởng

SKĐS - Viêm tai giữa xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường hay gặp ở trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi do hệ miễn dịch yếu, cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng viêm tai giữa là vô cùng quan trọng bởi bệnh hay tái phát và nhiều biến chứng nguy hiểm.

BS. Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn