Hà Nội

Trẻ mắc thủy đậu rồi có mắc lại không?

26-03-2023 06:40 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Hiện nay, một số nơi có nhiều trẻ mắc bệnh thủy đậu nên các bậc cha mẹ rất lo lắng, không biết trẻ đã mắc thủy đậu rồi liệu có mắc lại căn bệnh này không? Và cách phòng bệnh thủy đậu thế nào để tránh lây nhiễm? Bài viết dưới đây giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặpChăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách và những sai lầm thường gặp

SKĐS - Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan, qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc do virus từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt của người bệnh khi nói, ho, hắt hơi. Nếu chăm sóc không đúng khi trẻ mắc bệnh có thể gặp các biến chứng như: Sẹo trên da, viêm da, viêm tai... thậm chí là viêm màng não, viêm não…

‎Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên và là một bệnh rất dễ lây truyền. Khi 1 người mang virus thủy đậu nói, hắt hơi, nhảy mũi hoặc ho... thì các virus đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi và người khác hít phải bụi sẽ lây bệnh ngay. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng có không ít người lớn mắc bệnh này.

Trẻ mắc thủy đậu rồi có mắc lại không?

Đây là câu hỏi của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ. Theo các nghiên cứu, chúng ta có thể bị virus Varicella - Zoster gây bệnh thủy đậu tấn công nhiều lần, nhưng loại virus này chỉ gây bệnh thủy đậu một lần trong đời.

Các thống kê cho thấy rất hiếm trường hợp bị tái phát thủy đậu, nghĩa là mắc lần thứ 2, bởi sau khi mắc bệnh thủy đậu, cơ thể tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, virus gây bệnh sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh và tồn tại ở đó, chờ lúc hệ miễn dịch suy yếu để tái hoạt động trở lại và gây bệnh zona.

Các ghi nhận cho thấy đối với trường hợp xảy ra (rất hiếm gặp chiếm 10 - 20% trong số người đã bị nhiễm thủy đậu lại lần 2) có thể do kháng thể sinh ra và tồn tại không đủ mạnh để phòng chống bệnh. Các nhà nghiên cứu lý giải rằng, điều này tương tự như chúng ta đã tiêm phòng thủy đậu và không phải tất cả các trường hợp đã tiêm phòng đều có thể phòng chống bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc thủy đậu sẽ nhẹ hơn và kéo dài ít ngày hơn.

Thống kê cho thấy có khoảng 80 - 90% số người được tiêm vaccine thủy đậu sẽ miễn dịch hoàn toàn với bệnh thủy đậu, những người còn lại nếu có mắc thủy đậu thì triệu chứng bệnh sẽ nhẹ và kéo dài ít ngày hơn.

Và như vậy, nếu trẻ đã từng mắc thủy đậu thì cha mẹ cũng yên tâm sẽ hiếm khi mắc lại bệnh này.

Trẻ mắc thủy đậu rồi có mắc lại không? - Ảnh 2.

‎Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên và là một bệnh rất dễ lây truyền.

Diễn biến của bệnh thủy đậu

Người ta chia bệnh thủy đậu ra 4 thời kỳ phát triển, mỗi thời kỳ có dấu hiệu khác nhau. Cụ thể:

- Thời kỳ ủ bệnh

Đây là khi nhiễm virus, thời kỳ virus trong người và phát bệnh. Ở thời gian này kéo dài từ 10 - 20 ngày. Người mắc bệnh lúc này không có bất kỳ dấu hiệu gì, rất khó để nhận biết.

- Thời kỳ khởi phát (phát bệnh)

Thời điểm phát bệnh với những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 - 48 giờ đầu. Một số bệnh nhân còn có hạch sau tai, kèm viêm họng.

- Thời kỳ toàn phát

Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3 mm. Các mụn nước gây ngứa và rát, rất khó chịu.

Những nốt mụn nước này xuất hiện toàn thân, mọc kín trên cơ thể bệnh nhân. Mọc cả vào niêm mạc miệng gây khó khăn trong việc ăn uống. Một số trường hợp bị nhiễm trùng mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.

- Thời kỳ hồi phục

Sau từ 7 - 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm. Bởi thủy đậu sẽ để lại sẹo rỗ (lõm) sau khi chúng biến mất.

Trẻ mắc thủy đậu rồi có mắc lại không? - Ảnh 3.

Bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy việc phòng bệnh vô cùng quan trọng.

Dự phòng bệnh thủy đậu cho trẻ có được không?

Bệnh thủy đậu hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Để phòng bệnh những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh không có miễn dịch, người suy giảm miễn dịch... để tránh bị phơi nhiễm bằng cách tiêm chủng cho những người trong gia đình, những người tiếp xúc gần.

Vaccine phòng bệnh thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:

+ Tất cả trẻ em từ 12 - 18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.

+ Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.

+ Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 - 8 tuần.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Nếu đã được phòng vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80 - 90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng có khoảng 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu và thường là không bị biến chứng.

Mời độc giả xem thêm video:

Tiêm Vaccine Phòng Bệnh Thủy Đậu Cho Trẻ Và Một Số Lưu Ý - SKĐS


BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn