Trẻ mắc tay chân miệng từ các tỉnh đổ dồn về TP.HCM

20-07-2023 21:56 | Tin nóng y tế

SKĐS - Tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM đang có xu hướng tăng, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%. Tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6 trẻ tử vong đều có hộ khẩu ở các tỉnh khác.

Trong văn bản Sở Y tế TP.HCM báo cáo Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn cho hay, từ đầu năm đến ngày 14/7/2023, TP.HCM ghi nhận 7.823 ca mắc tay chân miệng mới, trong đó có 2.370 ca phải nhập viện điều trị và 212 ca nặng (chiếm 8,95%).

Riêng trong tháng 6 và 2 tuần của tháng 7 năm 2023, tổng số ca điều trị nội trú lên tới 1.774 ca, trong đó số ca có địa chỉ TP.HCM chiếm tỉ lệ 20,9%.

Ngành y tế dự báo, số ca mắc và ca nặng sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ ca nặng từ các tỉnh thành chuyển đến TP.HCM chiếm khoảng 80%. Tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 6 trẻ tử vong đều có hộ khẩu ở các tỉnh khác.

TP.HCM gia tăng các ca tay chân miệng nặng - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng nổi mụn nước, có hình bầu dục và mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân khiến thành phố phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh thành khác là do biến chủng gây bệnh tay chân miệng là EV71 nên có nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch. Tại TP.HCM, EV71 là tác nhân gây ra các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.

Trước tình hình này, Sở Y tế đã tổ chức giao ban với các Trung tâm y tế, bệnh viện quận huyện và trạm y tế phường xã để chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó nhấn mạnh việc tổ chức tập huấn lại cho các giáo viên, bảo mẫu của các trưởng mầm non, nhóm trẻ về các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm dấu hiệu nghỉ ngờ và dấu hiệu chuyển nặng của bệnh tay chân miệng.

Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các Trung tâm y tế quận huyện phối hợp với Phòng Giáo dục thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện của các trường, các nhóm trẻ trên địa bàn.

Về công tác thu dung, điều trị, Sở Y tế đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng với 3 tình huống và thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến hoặc ca khó với các đơn vị (trong thành phố và các tỉnh thành phố phía Nam), đảm bao công tác chuyển viện an toàn.

Cùng đó, Sở Y tế phân công các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh tay chân miệng để điều trị kịp thời và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.

Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện tuyển cuối của một số tỉnh thành phố có năng lực trong công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng như: Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.... tiếp nhận điều trị người bệnh của các tỉnh lân cận nhằm đảm bảo các ca bệnh nặng được điều trị sớm và công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng thể nặng tăng, lưu ý đặc biệt cho cha mẹBệnh nhi mắc tay chân miệng thể nặng tăng, lưu ý đặc biệt cho cha mẹ

SKĐS - Tại Quảng Bình, số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng không nhiều so với các tỉnh khác, tuy nhiên số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng tăng cao. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không chủ quan trong việc theo dõi, điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng.


Vân Kim
Ý kiến của bạn