Hà Nội

Trẻ mắc tay-chân-miệng gia tăng về số lượng và biến chứng

05-04-2021 13:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM những ngày gần đây ghi nhận số trường hợp trẻ mắc tay-chân-miệng (TCM) đang gia tăng nhanh.

Không chỉ gia tăng về số lượng, số trẻ nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng cũng tăng đột biến.

Sai lầm tự theo dõi trẻ bị TCM

Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trong một phòng bệnh, các giường bệnh đều có bệnh nhi mắc TCM đang được điều trị và theo dõi chuyển độ.

Trong phòng cấp cứu, có 3 trường hợp đang được cấp cứu, theo dõi tích cực, kiểm soát những biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng.

Đang chăm sóc con nhỏ 24 tháng tuổi bị TCM, chị Nguyễn Thị Liễu (29 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết, hơn 1 tuần trước, sau khi đón con từ nhà trẻ về, chị phát hiện ở lòng bàn tay và vùng miệng của con nổi ban đỏ, nhưng nghĩ rằng con bị nhiệt do thay đổi thời tiết, chị chủ quan không đưa con đi khám.

“Cách đây 3 ngày, bé bị sốt, bỏ ăn, nổi những nốt mụn nước ở vùng cánh tay nhiều hơn, quá lo lắng tôi đưa con đi khám các bác sĩ cho biết con bị TCM, có nguy cơ chuyển độ nên được chuyển viện đến đây. Tôi cũng thường xuyên được các bác sĩ nhắc nhở theo dõi và nhận biết các biểu hiện chuyển độ TCM ở bé để kịp thời xử trí, tránh những biến chứng nặng” - chị Liễu kể.

Điều trị cho trẻ mắc TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Điều trị cho trẻ mắc TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Bà Trần Thị Phú (51 tuổi) đang chăm sóc cháu nội 5 tuổi đang được điều trị tại đây vẫn còn lo lắng: Đầu năm 2019, cháu bà đã mắc TCM và được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Cách đây cũng khoảng 3 ngày, bà phát hiện cháu có những biểu hiện của bệnh TCM, thế nhưng phần vì lo lắng dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, phần vì chủ quan đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị TCM nên bà không đưa cháu đi khám. Bà thông báo với nhà trường cho cháu nghỉ học.

Trong 2 ngày đầu, bà tự chăm sóc cháu theo kinh nghiệm nhưng tình trạng không đỡ. Bé sốt, mệt nhiều, nôn nhiều, bà Phú mới tá hỏa đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.

Theo BS CKII. Dư Tuấn Quy - Phó Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, hiện nay tại khoa đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 trường hợp trẻ mắc TCM, trong đó có 2 trường hợp độ 3, 3 trường hợp độ 2b, còn lại các trẻ đều ở giai đoạn bệnh 2a. Bệnh TCM có 4 cấp độ: độ 1, độ 2 (độ 2a, độ 2b), độ 3, độ 4. ở cấp độ 3, 4, trẻ có những biến chứng về thần kinh, hô hấp. Các cấp độ 2a, 2b cần được theo dõi sát những nguy cơ chuyển độ dẫn đến các biến chứng nặng.

Khuyến cáo của bác sĩ

Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, có 15 trẻ mắc TCM, trong đó 1 trường hợp nặng đang được theo dõi tích cực. Hầu hết các ca bệnh được chuyển viện đến từ các bệnh viện tuyến tỉnh.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trong vòng 2 tuần trở lại đây, bệnh nhi mắc TCM tăng nhiều cả về số lượng lẫn bệnh nhân nặng.

Đến nay tại khoa đã tiếp nhận 14 trường hợp (trước đó mỗi tuần chỉ có khoảng 4-5 ca), trong đó 3-4 ca nặng. Đặc biệt, có 3 ca TCM độ 4 (mức độ nặng nhất của bệnh TCM). Bệnh nhi phải thở máy, phải sử dụng thuốc và điều trị tích cực. Nếu không điều trị kịp thời và phù hợp, trẻ có thể mắc các di chứng não và thần kinh nặng nề.

Theo BS CKII. Nguyễn Trần Nam - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sự gia tăng cả về số lượng và số ca bệnh độ TCM nặng rất đáng cảnh báo.

Nhận định về nguyên nhân, BSCKII. Nguyễn Trần Nam cho hay, có thể xuất phát từ sự chủ quan của các bậc phụ huynh. Nhiều người mặc dù đã nhận biết được con mắc TCM, nhưng tự tìm hiểu trên mạng để tự theo dõi và điều trị cho con. Việc tự điều trị như vậy tồn tại rất nhiều nguy cơ. Trẻ dễ bị chuyển độ và các biến chứng nguy hiểm mà phụ huynh không nhận biết kịp thời.

Do đó, khuyến cáo tất cả trường hợp TCM đều phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, điều trị, dặn dò kỹ lưỡng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến biến chứng.

“Những trường hợp cần đến khám ngay như: sốt cao, uống thuốc không đáp ứng với hạ sốt, trẻ giật mình, chới với, quấy khóc liên tục, yếu tay yếu chân, run tay run chân, nôn ói nhiều, tuyệt đối không được tự ý điều trị. Đối với những trẻ TCM đã được khám và điều trị, cần tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, lạnh, dễ nuốt, lưu ý khi có bất cứ biểu hiện nghi ngờ chuyển độ của trẻ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay, không được trì hoãn” - BS CKII. Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn