Hà Nội

Trẻ mắc Tay chân miệng đã tăng gấp 2, 3 lần

01-05-2021 17:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay số ca bệnh Tay chân miệng (TCM) tăng gấp 2, gấp 3 lần so với một tháng trước và cùng kỳ năm trước. Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đang chuẩn bị nhân lực, nguồn lực tăng khả năng thu dung, điều trị tại bệnh viện và hỗ trợ các bệnh viện tuyến địa phương.

Tăng gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ

Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố đang điều trị cho một trẻ mắc TCM độ 4 với những biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhi khoảng 7 tháng tuổi ngụ tại Cai Lậy (Tiền Giang).

Trước đó bé được cha mẹ phát hiện có biểu hiện mệt, sốt nên được đưa đến bệnh viện tỉnh Tiền Giang, được điều trị 4 ngày tuy nhiên tình trạng không đỡ. Bé sốt cao hơn, ói, bụng chướng, có giật mình nên được chuyển viện. Ngày 10/4, bệnh nhi được chuyển từ bệnh viện tỉnh Tiền Giang đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.

Trẻ mắc TCM đang được theo dõi tại Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Thành Phố. Ảnh: H.T

Tại đây, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi đã có tình trạng yếu hai chi. Các bác sĩ khám, hội chẩn, phát hiện bé mắc TCM trong tình trạng bệnh đã có những biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp. Trước đó, ngoài các biểu hiện sốt, mệt, bé chỉ nổi một nốt phát ban duy nhất ở lòng bàn chân, ở tuyến địa phương tình trạng TCM không được phát hiện. Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức Tích cực, được sử dụng các thuốc đặc trị, phải thở máy, vận mạch, lọc máu để điều trị các biến chứng sốc, suy tuần hoàn.

Sau 9 ngày được điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi được chuyển vào khoa Nhiễm, tiếp tục được theo dõi các biến chứng của TCM: yếu chi, liệt chi, viêm màng não. Ngoài ca bệnh trên, tại Khioa Nhiễm đang điều trị cho 34 trường hợp trẻ bị TCM, trong đó 29 ca độ 2a, 3 ca độ 2b nhóm 1. Nhiều trường hợp chuyển độ rất nhanh nên những ca bệnh đang được theo dõi tích cực.

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết: Trong vòng 1 tháng nay số ca bệnh TCM tăng lên rất nhanh. Hiện tại số bệnh nhân đến khám và nhập viện vì TCM tăng hơn gấp 2 lần, thậm chí gấp 3 lần so với 1 tháng trước và so với các dịch bệnh khác. So sánh với số liệu bệnh TCM cùng thời điểm này cách đây khoảng 2 năm trước thì số ca bệnh cũng có xu hướng tăng lên.

Số ca bệnh TCM nhập viện đã tăng 2, 3 lần so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Ảnh: H.T

Điều đáng lo ngại là số ca bệnh có biến chứng cần phải can thiệp tích cực nhiều hơn, trung bình mỗi tuần có 3-5 trường hợp phải điều trị tích cực. So với trước đây, dù lượng bệnh đông nhưng đa phần là không có biến chứng, chỉ cần theo dõi. Về số tuổi, đa phần những trẻ dưới 3 tuổi, tuy nhiên những trẻ lớn trên 5 tuổi hoặc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cũng được ghi nhận nhập viện và có biến chứng nặng, đáng lo ngại.

Số lượng bệnh nhân đến từ TP.HCM và các tỉnh tương đương nhau. Chủ yếu là các ca bệnh tại huyện Bình Chánh, Quận Tân Phú, Quận 6, Quận 11… và các tỉnh lân cận như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre.

Chuẩn bị cho trường hợp số ca bệnh tăng cao

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam cho hay, với tình hình số ca bệnh TCM tăng cao và có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, song song với các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, tại bệnh viện đã và đang chuẩn bị các phương án cho trường hợp số ca bệnh TCM tăng cao.

Cụ thể, Bệnh viện đang chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề nhân lực, nguồn lực để thực hiện công tác sàng lọc phân luồng, đáp ứng được nhu cầu điều trị. Về phân luồng bệnh, bệnh viện đang thực hiện giải pháp sàng lọc lại ngay từ khu phòng khám để đánh giá tất cả những trẻ có nguy cơ TCM phải nhập viện.

Phụ huynh nhận biết các dấu hiệu chuyển độ TCM ở trẻ và báo cho bác sĩ điều trị. Ảnh: H.T

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tất cả những trường hợp TCM độ 2a là những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ có biến chứng cần phải nhập viện theo dõi và điều trị, tuy nhiên nếu nhập viện với số lượng đông sẽ gây ra tình trạng quá tải như những mùa TCM trước đây. Do đó khi khám bệnh các bác sĩ phải phân luồng rõ hơn. Những trẻ được chẩn đoán mắc TCM ở phòng khám được dặn dò theo dõi sát các dấu hiện biến chứng và cần phải nhập viện ngay.

Những trường hợp trẻ nhập viện cũng được phân loại những trẻ có nguy cơ chuyển độ và không có nguy cơ. Những trẻ có nguy cơ được theo dõi chặt chẽ hơn, khi có bất cứ biểu hiện biến chứng sẽ đưa vào điều trị tích cực càng sớm càng tốt, giảm nguy cơ biến chứng cũng như giảm thời gian điều trị nằm viện. Trường hợp không có nguy cơ cũng được dặn dò kỹ lưỡng về chăm sóc, theo dõi tình trạng của trẻ.

“Bên cạnh đó chúng tôi cũng hỗ trợ các bệnh viện tuyến quận, huyện, các bệnh viện tuyến tỉnh trong vấn đề thu dung và điều trị TCM. Chúng tôi đang chuẩn bị tập huấn cho các bệnh viện đó, hỗ trợ về chuyên môn khi họ có yêu cầu để họ tiếp tục thu dung và điều trị TCM không có những biến chứng. Trường hợp có biến chứng chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn càng sớm càng tốt. Nếu được, có thể hỗ trợ điều trị tại chỗ hoặc chuyển về bệnh viện để điều trị tích cực hơn.

Trẻ mắc TCM được phân luồng trước khi nhập viện điều trị. Ảnh: H.T

Hiện nay với công nghệ 4.0 giúp bác sĩ đã có thể hội chẩn trực tuyến qua online, đưa ra phương pháp cứu sống kịp thời những ca bệnh khó. Những trường hợp bệnh viện tuyến dưới cần hội chẩn gấp, chúng tôi đã và đang hỗ trợ tích cực hơn so với việc chỉ dựa vào điện thoại hoặc giấy tờ. TCM là bệnh có biến chứng nhanh, khi được hội chẩn tích cực sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị tại các bệnh viện”- BS.CK2 Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam cũng khuyến cáo thêm: Theo chu kỳ 4-5 năm sẽ có đợt TCM bùng phát nhiều hơn do liên quan đến vấn đề miễn dịch cộng đồng. Đa phần xảy ra ở lứa tuổi 1-3 tuổi.

Theo dự đoán của các nhà dịch tễ, năm nay (2021) là năm tiến gần đến một chu kỳ bệnh TCM bùng phát nhiều hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm cũng có sự thay đổi vì vậy số lượng bệnh TCM xuất hiện nhiều.

Ngoài việc các cơ sở y tế sẵn sàng các biện pháp phân luồng, thu dung điều trị thì cần đến sự chủ động phòng ngừa từ cộng đồng. Theo đó, phụ huynh nên giữ gìn vệ sinh tốt cho con em. Nhận biết sớm các dấu hiệu để đưa trẻ đi khám, được bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng. Trong gia đình có nhiều trẻ nên cách ly trẻ mắc bệnh để không lây lan cho trẻ lành. Không cho trẻ đến trường khi chưa điều trị khỏi bệnh. Trong quá trình điều trị cho trẻ, phụ huynh cũng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho bản thân.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn