Trẻ mắc sởi biến chứng nặng, bác sĩ khuyến cáo quan trọng

18-02-2025 14:06 | Y tế

SKĐS - Tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay ghi nhận nhiều trẻ mắc sởi biến chứng nặng phải thở máy. Để phòng bệnh hiệu quả, trẻ cần được tiêm phòng vaccine và tuân thủ lịch tiêm mũi nhắc lại.

Tăng cao ca mắc sởi, sốt phát ban

Theo Sở Y tế TP Huế, từ cuối năm 2024 đến nay, các trường hợp sốt phát ban nghi sởi và sởi xác định trên địa bàn tăng cao, chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm 2025 ghi nhận 161 ca sốt phát ban. Dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu năm đến nay ghi nhận 131 ca bệnh cho kết quả dương tính với sởi với 93 trẻ em và 38 người lớn (năm 2024 chỉ có 46 ca). Khoa Nhi Tiêu hóa – Tiết niệu – Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi là một trong những khoa đang điều trị nhiều ca sởi và sốt phát ban với trung bình 20 – 30 ca.

PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức, Phó trưởng Khoa Nhi Tiêu hóa – Tiết niệu – Bệnh nhiệt đới cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus sởi gây nên, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng nhưng chưa đủ mũi.

"Qua khám sàng lọc, chúng tôi tiếp nhận những ca bệnh nặng. Trường hợp sởi không biến chứng vẫn có thể điều trị tại cộng đồng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Nếu trẻ sốt cao liên tục, nôn nhiều, thở nhanh có dấu hiệu suy hô hấp mới nên nhập viện", PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức cho hay.

Trẻ mắc sởi biến chứng nặng, bác sĩ khuyến cáo quan trọng- Ảnh 1.

Cháu bé mắc sởi đang được các bác sĩ theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi.

Đáng chú ý, nhiều trẻ có bệnh nền khi mắc sởi dẫn đến biến chứng nặng, phải cần sự trợ giúp của máy thở. ThS. BSCKII Nguyễn Đắc Lương, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi cho biết, từ đầu năm khoa tiếp nhận 5 ca sởi nặng với 3 ca phải thở máy.

Trong 3 ca thở máy, có một bệnh nhi quê Hà Tĩnh chuyển vào với biến chứng viêm phổi, hiện sức khỏe đang tiến triển tốt. Ngoài ra, còn 2 cháu bé có bệnh nền, bị thư máu và viêm não tự miễn, hiện cả 2 đang được điều trị, theo dõi tích cực.

ThS.BS Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nhi cho biết, sởi là bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp và có nhiều biến chứng nặng, các ca bệnh nặng cần phải nằm cách ly và theo dõi sát.

"Trong đợt dịch này, nhiều trẻ mắc bệnh đến độ tuổi tiêm phòng hoặc không tiêm nhắc lại. Khuyến cáo gia đình nên cho trẻ tiêm vaccine sởi mũi nhắc lại để tăng hiệu quả miễn dịch. Sởi đặc biệt nguy hiểm với trẻ có bệnh nền bởi nguy cơ biến chứng cao, dễ gây tử vong", ThS.BS Phạm Hữu Trí nói.

Ngành y tế khuyến cáo, để phòng chống sởi hiệu quả, người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc sởi, giữ vệ sinh cho trẻ hàng ngày.

Đối với trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Chủ động phòng bệnh

ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, để tăng cường phòng, chống dịch cúm, sởi và bệnh lây truyền qua đường hô hấp, lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo các trung tâm/khoa/phòng cảnh giác với các triệu chứng ho, sốt, khó thở nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời ca bệnh.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ bệnh nhân nặng, bệnh nhân khu vực hồi sức tích cực và nhóm nguy cơ cao. Tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường, khử khuẩn tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, cải thiện không khí, hạn chế tập trung đông người ở không gian kín.

ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương cho hay, nhằm chuẩn bị công tác thu dung, điều trị lãnh đạo bệnh viện yêu cầu các đơn vị trực thuộc dự trù, cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch. Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng, sẵn sàng điều chỉnh nguồn lực về thuốc, thiết bị y tế và nhân sự đáp ứng công tác điều trị khi cần thiết.

Bệnh viện cũng khuyến cáo cán bộ, nhân viên, học viên, bệnh nhân, người nhà cũng như khách đến liên hệ công tác thực hiện đeo khẩu trang khi vào khuôn viên bệnh viện, đặc biệt khu vực có nguy cơ cao.

ThS.BSCKII Hoàng Trọng Quý, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý. Chủ động giám sát ca bệnh, tiếp tục triển khai có hiệu quả giám sát tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, giám sát dựa vào sự kiện để điều tra, xử lý dịch kịp thời.

Đồng thời, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và sẵn sàng các phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khẩn, phòng lây nhiễm chéo, không để dịch lây lan và phát phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Bộ Y tế "thúc" các tỉnh, thành tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine ngừa sởiBộ Y tế 'thúc' các tỉnh, thành tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine ngừa sởi

SKĐS - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn