Hà Nội

Trẻ mắc COVID-19 ở TP.HCM tăng nhưng hầu hết ở mức nhẹ và trung bình

23-02-2022 15:55 |
google news

SKĐS - TP.HCM áp dụng quy trình xử lý F0 trong trường học theo hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế.

Chiều 23/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay, từ ngày 14/2 đến nay, TP.HCM ghi nhận số ca trẻ em mắc COVID-19 gia tăng tuy nhiên hầu hết là ca bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình.

Tính đến ngày 22/2, TP.HCM có 100 ca bệnh trẻ em mắc COVID-19 đang điều trị nội trú tại 3 bệnh viện Nhi đồng (Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố).

Theo phân tích tình hình sức khỏe của 100 trẻ mắc COVID-19 (trong đó có 15% ca bệnh đến từ các tỉnh) này cho thấy có 84% trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng). Trong đó có 89 ca có các triệu chứng trung bình hoặc nhẹ và chỉ 11 ca phải hỗ trợ hô hấp.

Hiện TP.HCM đã chuẩn bị 450 giường, trong đó có 150 giường hồi sức hô hấp tại 3 bệnh viện Nhi đồng, sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc COVID-19 cũng như phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị.

Sở Y tế TP.HCM đã lên kế hoạch theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét chính sách dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Trẻ mắc COVID-19 ở TP.HCM tăng nhưng hầu hết ở mức nhẹ và trung bình - Ảnh 1.

Học sinh ở TP.HCM đảm bảo thực hiện 5K, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong lớp học. Ảnh: Kim Vân

Đồng thời, TP.HCM cũng xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc COVID-19 gia tăng; Sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi; Tập huấn cho hệ thống y tế, giáo viên, giúp nhận biết các dấu hiệu xử trí ban đầu, quy trình xử trí F0 trong trường học.

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn xử lý F0 trong trường học với quy định mới về thời gian cách ly F1. Theo đó, Sở Y tế và Sở Giáo dục đang tham mưu UBND TP.HCM văn bản hướng dẫn về xử lý F0 trong trong trường học phù hợp với tình hình hiện nay.

Ngày 21/2, Bộ Y tế đã ban hành công văn về hướng dẫn công tác phòng chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp. Theo đó, điểm mới trong công văn mà Bộ Y tế đưa ra là giảm thời gian cách ly đối với trường hợp F1.

Cụ thể, đối với những học sinh là F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng sẽ cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh ngày thứ 5. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 5 thì được đi học trực tiếp trở lại và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo, đồng thời thực hiện thông điệp 5K.

Đối với những học sinh là F1 chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh ngày thứ 7. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 thì được đi học trực tiếp trở lại và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo, đồng thời thực hiện thông điệp 5K.

Trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì báo ngay cho trạm Y tế, nhà trường để theo dõi và xử trí theo qui định.

Với những trẻ cùng lớp không phải là F1 thì sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì vẫn đến trường học bình thường.

Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu trong lớp học có 1 ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính (F0) thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú tương tự như qui định cho F1 chưa tiêm đủ liều vaccine.

Phát hiện F0 tại trường học: Bộ Y tế hướng dẫn 4 bước xử tríPhát hiện F0 tại trường học: Bộ Y tế hướng dẫn 4 bước xử trí

SKĐS - Khi có trường hợp F0, cần báo ngay Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường. Cán bộ y tế trường học hoặc Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 chuyển ngay F0 xuống phòng cách ly tạm thời của trường học theo lối đi riêng đã được phân luồng.


Kim Vân
Ý kiến của bạn