Trẻ mắc chứng béo phì vì thói quen ăn uống kém lành mạnh trong mùa dịch

25-09-2021 06:00 | Y học 360

SKĐS- Một số thói quen ăn uống kém lành mạnh, gây hại cho sức khỏe đã hình thành do điều kiện giãn cách xã hội. Chuyên gia khuyên cách khắc phục ra sao?

Trong hơn một năm rưỡi qua, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều cuộc sống hàng ngày của người dân, bao gồm cả thói quen ăn uống của các gia đình.

Gia tăng sử dụng đồ ăn nhanh trong đại dịch COVID-19

Theo cuộc khảo sát các bậc cha mẹ tại Mỹ mới đây, đa số các gia đình cho rằng sự thay đổi đó là điều tốt, với 1/2 số gia đình nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn và 2/3 số gia đình lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Tuy nhiên, khoảng 20% bậc cha mẹ cho biết họ cảm thấy căng thẳng và bận rộn, lối sống trong đại dịch đồng nghĩa với việc chọn đồ ăn nhanh thường xuyên hơn.

TS nhi khoa Gary Freed thuộc BV Nhi C.S. Mott, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Dinh dưỡng cho trẻ em thực sự quan trọng và có rất nhiều cản trở trong cuộc sống của trẻ em và các gia đình trong đại dịch. Chúng tôi muốn hiểu rõ hơn về cách thức và mức độ ảnh hưởng đối với các mô hình gia đình khác nhau".

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 2.019 bậc cha mẹ có ít nhất 1 con từ 3 đến 18 tuổi. Kết quả cho thấy, cứ 6 người thì có 1 người cho biết con của họ ăn đồ ăn nhanh ít nhất 2 lần/tuần. Cha mẹ có con thừa cân thường hay cho trẻ ăn đồ ăn nhanh nhiều gấp đôi bình thường.

Phân tích sâu hơn cho thấy, 43% cha mẹ cho biết, họ quá bận để nấu ăn và 22% nói rằng họ quá căng thẳng. Cha mẹ có trẻ thừa cân thường xuyên lo lắng hơn. Chỉ 1/3 phụ huynh cho biết họ đọc thông tin dinh dưỡng trên thực đơn. Hầu hết (88%) cho biết họ để con tự chọn đồ ăn. Nhưng 2/3  hướng con mình đến các lựa chọn lành mạnh hơn và cố gắng hạn chế thực phẩm chứa nhiều calo như khoai tây chiên và sữa lắc.

Nhìn chung, 84% cha mẹ nhận xét đồ ăn nhanh là khá tốt và 72% cho rằng đồ ăn nhanh là một lựa chọn tốt khi có ít thời gian, 24% cho biết nó rẻ hơn so với nấu ăn ở nhà.

Biện pháp khắc phục thói quen ăn uống kém lành mạnh mùa COVID

Khắc phục thói quen ăn uống kém lành mạnh, bảo vệ sức khỏe mùa dịch - Ảnh 2.

Đại dịch dẫn đến thói quen xấu như trẻ em thường ăn trước tivi, máy tính xách tay...

TS Freed nói: "Chúng ta nên giúp các bậc cha mẹ đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn, bắt đầu bằng những thay đổi như nói không với soda và uống sữa để thay thế. Tránh những bữa ăn quá nhiều năng lượng và tránh thực phẩm chiên rán".

Theo TS Freed, đối với những cha mẹ đã nấu ăn nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch, thì làm việc tại nhà, cảm giác không an toàn khi ăn tại nhà hàng hoặc những lo lắng về tài chính có thể đã thúc đẩy những thay đổi đó.

TS Ellen Rome, Trưởng khoa y học vị thành niên thuộc BV Nhi Cleveland Clinic ở Ohio cho biết, với đồ ăn nhanh, rất dễ bị lạm dụng vì những đồ ăn này chứa nhiều carbohydrate và chất béo. Do vậy, đồ ăn nhanh chỉ nên dùng trong một số trường hợp cần thiết, không nên sử dụng thường xuyên hàng ngày, hàng tuần.

TS Rome cho rằng đại dịch đã dẫn đến một số thói quen xấu ở trẻ em như ăn trước tivi, máy tính xách tay hoặc trong khi chơi trò chơi điện tử. Những trẻ béo phì sẽ tăng cân nhiều hơn và những trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống trở nên rối loạn nặng hơn.

Trẻ em và thanh thiếu niên có nhu cầu năng lượng khác so với người lớn, bao gồm lượng chất béo phù hợp để đảm bảo chức năng não. Cha mẹ nên hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để cung cấp năng lượng phù hợp nhất cho con mình vì mỗi trẻ có nhu cầu năng lượng khác nhau.

Một trong những thay đổi tốt nhất mà mỗi gia đình có thể thực hiện là ăn cùng nhau mỗi ngày vào bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Những bữa ăn đó là lúc bạn có thể tìm hiểu xem con bạn đang thế nào, cảm nhận của chúng ra sao, để hiểu rõ trẻ hơn và giúp mang lại một bữa ăn cân bằng cho trẻ.

COVID-19 gây nguy cơ cao nhất ở đối tượng trẻ em nào?COVID-19 gây nguy cơ cao nhất ở đối tượng trẻ em nào?

SKĐS- Theo kết quả một nghiên cứu mới đây, trẻ mắc các bệnh mạn tính là những đối tượng có nguy cơ cao phải nhập viện do COVID-19.

Xem thêm video được quan tâm:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân


Nhật Nam
Ý kiến của bạn