1. Chăm sóc trẻ bị viêm thanh quản như thế nào?
- Khi trẻ có biểu hiện viêm thanh quản như ho khan, đau họng, ngứa cổ, nghẹt mũi, khàn tiếng, mất giọng... cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám để được hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách.
- Trong trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ cho trẻ điều trị tại nhà. Nếu trẻ sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng. Có thể sử dụng chống viêm, giảm ho nếu có chỉ định.
- Trẻ cần được nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh. Hạn chế la hét, quấy khóc. Tránh khạc nhổ, có thể làm tăng phù nề, làm cho họng tiết nhiều chất nhầy hơn và bị kích ứng hơn.
- Các biến chứng nguy hiểm do viêm thanh quản ít gặp nhưng rất nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng khó thở. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, cha mẹ cần phải theo dõi. Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao, mệt nhiều, khó thở, thở rít, thở bất thường, phập phồng cánh mũi, trẻ há miệng khi thở… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để can thiệp ngay.
Để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thật tốt.
2. Trẻ bị viêm thanh quản nên ăn gì?
Chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng
Trẻ mắc bệnh viêm thanh quản cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Các loại thực phẩm dùng để chế biến thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm:
- Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc);
- Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...);
- Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật);
- Vitamin và chất khoáng (các loại rau, củ, quả tươi...).
Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu
Trẻ bị viêm thanh quản thường bị đau họng, nuốt vướng, ho, có đờm nên rất khó chịu, ăn dễ nôn trớ. Vì vậy, nên cho trẻ ăn các món ăn mềm, nhừ, nấu loãng như các món súp, cháo, nước canh hầm… để trẻ dễ nuốt, dễ tiêu và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Bổ sung thực phẩm tăng sức đề kháng
- Trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp thường rất mệt mỏi, biếng ăn, hấp thu kém. Vì vậy cần bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng. Trong đó, rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm giàu chất kẽm rất tốt cho trẻ.
- Kẽm có tác dụng tác dụng chống khuẩn, kháng viêm, giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Kẽm cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng, giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
Do đó, để giúp trẻ nhanh hồi phục, cha mẹ nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu kẽm: thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, tôm, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, đậu nành, đậu xanh nảy mầm… Với trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu.
- Bổ sung hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất xơ từ rau xanh và các loại trái cây như: nho, dâu tây, lê, đu đủ… giúp chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Uống nhiều nước
Cần cho trẻ uống nhiều nước để giữ ẩm cổ họng và phòng nguy cơ mất nước. Uống nhiều nước cũng giúp làm dịu họng, loãng đờm, giảm ho hiệu quả. Nên cho trẻ uống nước lọc, nước canh, nước ép trái cây…
- Không nên cho trẻ ăn thức ăn lạnh, đồ ăn chưa chín kỹ.
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo.
- Tránh các loại thực phẩm gây kích ứng, tổn thương vùng họng như: thức ăn cay nóng, chua, nhiều gia vị, các món chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn cứng, khô...
- Giữ vệ sinh sạch sẽ trong khi chế biến thực phẩm và chăm sóc trẻ bệnh.
Xem thêm video đang được quan tâm
14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?