Bệnh tự kỷ là một căn bệnh của trẻ em, xuất hiện rất sớm, khi trẻ trên 12 tháng hoặc có khi trẻ phát triển bình thường, rồi tự nhiên bị rối loạn các chức năng về tâm lý, ngôn ngữ. Các nhà khoa học cho rằng có thể do nhiễm hóa chất độc hại nên trẻ mắc bệnh tự kỷ.
Bệnh tự kỷ được mô tả lần đầu tiên vào năm 1943, sau đó được nghiên cứu nhiều hơn, nhất là mấy năm gần đây khi các triệu chứng được tiêu chuẩn hóa chính xác hơn, giúp cho việc định bệnh thuận lợi. Biểu hiện bệnh khác biệt rất nhiều, có trẻ chỉ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt, học hành gần như bình thường. Nhưng có những trường hợp nặng làm cho trẻ không thể sinh hoạt, học tập được. Trong mấy năm gần đây, số trẻ em bị bệnh tự kỷ gia tăng rất cao ở nhiều nước trên thế giới, có thể vì định bệnh chính xác hơn. Một số nhà khoa học cho rằng nguyên nhân vì nạn ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm thực phẩm, nước uống, dụng cụ làm bếp nhiễm hóa chất đã làm cho căn bệnh này gia tăng. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng cần được quan tâm thỏa đáng, vì cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa bệnh tự kỷ, việc điều trị chủ yếu phải dùng tâm lý trị liệu hết sức tốn kém và lâu dài.
Không nên cho trẻ em chơi đồ chơi có chất phtalates vì có thể làm trẻ mắc bệnh tự kỷ. |
Mẹ dùng mỹ phẩm, con mắc bệnh?
Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Philip Landrigan thuộc Đại học Mt Sinai school of Medicine cho rằng, bệnh tự kỷ có thể bị gây ra bởi việc não bộ của bào thai bị nhiễm độc bởi một số hóa chất do người mẹ nhiễm phải khi mang thai, do thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất hoặc những dụng cụ nấu bếp, việc bảo quản thực phẩm bị nhiễm độc bởi chất phtalates. Trước đây, y học đã khám phá ra một số trường hợp mắc bệnh tự kỷ ở những trẻ em mà người mẹ đã lỡ dùng phải một vài dược phẩm trong khi mang thai như các thuốc thalidomid, misoprostol, valproic acid. Thai nhi thường bị nhiễm bệnh khi bào thai được 3 tháng, là thời gian mà não bộ bắt đầu hình thành và tăng trưởng. Một số trường hợp dị tật bẩm sinh của não bộ cũng xảy ra khi người mẹ đang mang thai bị mắc bệnh do siêu vi gây ra như chứng bệnh German measles hoặc nhiễm chất độc da cam. Gần đây, ở châu Âu và Hoa Kỳ, người ta đã cấm sử dụng một số hóa chất như acrylamid, bisphenol vì gây ra ung thư hoặc tổn hại cho thần kinh. Trong khi hàng ngàn, hàng vạn trường hợp nhiễm độc các chất chì, thủy ngân, cadmium... đã được giới y học phát hiện, nhưng phải một thời gian khá lâu mới được xác nhận. Chất đang được nghiên cứu hiện nay là phtalates thường có trong nước hoa, keo xịt tóc, thuốc sơn móng tay, thuốc gội đầu, mỹ phẩm. Các đồ dùng như chai lọ, hộp đồ nhựa, bát đĩa bằng plastic để dùng trong các lò microwave cũng có chất phtalates. Những nghiên cứu trên phụ nữ mang thai có nồng độ phtalates cao trong nước tiểu thì tỷ lệ trẻ em bị bệnh tự kỷ cao hơn mức bình thường. Do đó, người ta khuyên rằng những bà mẹ đang mang thai chỉ nên dùng những loại mỹ phẩm được xác nhận là không có chất phtalates.
Các dấu hiệu của trẻ mắc bệnh tự kỷ
Các bậc cha mẹ khi chăm sóc con cái có thể phát hiện bệnh tự kỷ của trẻ dựa vào các biểu hiện như sau: trẻ có những trở ngại về ngôn ngữ như chậm nói, sau 12 tháng vẫn chưa biết nói hoặc trở nên lầm lì, tránh giao tiếp với cha mẹ, anh em, bạn bè hoặc nói ra những câu vô nghĩa. Trở ngại về đời sống xã hội: bệnh nặng thì có thể trở nên cô lập hoàn toàn, sống riêng rẽ, không nghe, không nhìn, không nói; còn bệnh nhẹ thì có thể biểu hiện là nhút nhát, e dè. Nhiều trẻ bị bệnh tự kỷ có những cử chỉ khác thường, máy móc, vô nghĩa như: gõ đập, múa may, lắc lư hoặc quậy phá lung tung bất thường. Hầu hết trẻ bị bệnh tự kỷ thường học rất kém, không bình thường và sau này trở thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số ít trẻ bị bệnh tự kỷ rất nặng, biểu hiện là tuy tâm trí gần như hoàn toàn tê liệt nhưng lại có một vài tài năng vô cùng xuất chúng về âm nhạc hay toán học. Những người này có khả năng làm được những bài toán cực kỳ phức tạp, đồng thời có một trí nhớ siêu phàm về các cuốn lịch cũng như thời tiết cả chục năm về trước mà chỉ có máy điện toán cực mạnh mới làm nổi. Có một vài trường hợp các em không hề được học về âm nhạc, điêu khắc, hội họa nhưng chỉ cần nghe qua một lần cũng có thể chơi được những bản nhạc cổ điển phức tạp nhất hoặc sáng tác được những tác phẩm nghệ thuật xuất chúng. Có những trường hợp trẻ em bị bệnh tự kỷ không biết đọc, không biết viết, nhưng có thể nhớ được cả một cuốn niên giám điện thoại sau khi đọc qua một lần, đó là hiện tượng "idiot savant" được quay thành phim Rainman, nhưng đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được những trường hợp lạ lùng này.
Khoảng 25% các trường hợp bị bệnh tự kỷ có nguyên nhân di truyền. Những gia đình có con em bị bệnh tự kỷ thì tỷ lệ cao hơn có thể lên tới 11%. Cha mẹ lớn tuổi mới sinh con cũng có tỷ lệ trẻ sinh ra bị mắc bệnh tự kỷ cao hơn. Hiện nay, các nhà khoa học y khoa đang cố gắng nghiên cứu nhằm tìm ra những nguyên nhân gây bệnh để tìm cách phòng ngừa căn bệnh khó khăn và tôn kém trong điều trị này.
ThS. Minh Phát