Làm thế nào để biết con bị dậy thì sớm và cha mẹ sẽ ứng xử như thế nào nếu con dậy thì sớm là mối quan tâm của nhiều cha mẹ.
Nguyên nhân nào dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ?
Gặp con gái học lớp 1, ai cũng đoán bé học lớp 3 và khen chị Hà (35 tuổi, Hà Nội) nuôi con "mát tay". Nghe thế, chị không thấy vui mà còn rất sốt ruột.
Chị Hà kể: 'Khi thấy mọi người khen con lớn phổng phao thì tôi lại sốt ruột vì sợ con sẽ dậy thì sớm'. Và, để "ngăn chặn" việc con lớn nhanh, chị Hà đã tự ý "cắt" nhiều đồ ăn trong khẩu phần ăn hàng ngày của con như thịt, sữa, tinh bột... Chị cũng cấm con không được ăn đồ ăn nhanh, đồ uống có ga..., cấm con không được xem điện thoại, ti vi mà phải đọc sách. Chị bắt con sáng nào cũng dậy sớm để tập thể dục...
Chị tìm mọi cách để 'hãm' con lớn thế nhưng cơ thể cháu vẫn phổng phao như thường, việc làm của chị cũng đã khiến con gái nhiều khi tỏ ra mệt mỏi, chán nản, còn chị thì cũng lo lắng stress. Chị Hà băn khoăn không biết con mình có phải đã dậy thì sớm hay con phổng phao như mọi người vẫn khen?
Chị Hà mua nhiều sách về cho con đọc thay vì xem điện thoại, ti vi để mong con không dậy thì sớm. Ảnh: NVCC.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCKI Sản phụ khoa Cao Hồng Chi – Giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe cộng đồng cho biết, trẻ được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát (vú, huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật…) trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.
Có nhiều nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ như do trẻ mắc u não, u tuỷ, tổn thương não, tổn thương tuỷ, tăng tuyến thượng thận bẩm sinh, suy giáp, u nang buồng trứng,…Hay trẻ tiếp xúc với các sản phẩm chứa estrogen hay testosteron bên ngoài như các loại kem bôi ngoài da, sữa tắm, dung dịch vệ sinh,…
Một nguyên nhân khác cũng khiến trẻ dễ bị dậy thì sớm là do trẻ ăn quá nhiều protein động vật mà chăn nuôi công nghiệp, động vật ăn nhiều thức ăn tăng trọng. Hay trẻ thường xuyên ăn các thức ăn nhanh, dùng nhiều hương liệu, chất điều vị, chất tạo ngọt…
Cần làm gì khi thấy có có dấu hiệu của dậy thì sớm?
Cũng theo bác sĩ Cao Hồng Chi, dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai và thường gặp ở thành thị hơn nông thôn. Nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình.
Bé gái nếu dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán, trong khi trẻ còn quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường, vì trẻ khác với các bạn trong lớp… Những điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ.
BSCKI Sản phụ khoa Cao Hồng Chi – Giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe cộng đồng. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, dậy thì sớm cũng sẽ tác động đến chiều cao của trẻ. Trẻ dậy thì quá sớm thường phát triển chiều cao sẽ không được như các trẻ khác. Trẻ lớn nhanh nhưng chiều cao của trẻ sẽ bị hạn chế khi trưởng thành.
Để phòng tránh việc trẻ dậy thì sớm, bác sĩ Cao Hồng Chi khuyến cáo, cha mẹ nên giữ cho trẻ một chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh. Tăng cường rau củ quả cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ, không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ…;
Không tẩm bổ quá mức, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán chứa nhiều chất béo... vì sẽ khiến trẻ thừa dinh dưỡng, gây béo phì; Giúp trẻ tăng cường các vận động thể chất, khuyến khích trẻ duy trì cân nặng phù hợp.
Cha mẹ chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý, giữ trẻ tránh xa các nguồn estrogen và testosteron từ bên ngoài, như các đơn thuốc dành cho người lớn.
"Nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện chớm của dậy thì sớm như tăng chiều cao quá nhanh, núm vú phát triển,… thì cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám để bác sĩ có hướng điều trị kịp thời. Việc trẻ được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành", bác sĩ Cao Hồng Chi hướng dẫn.