Trẻ không khóc mà chảy nước mắt là bệnh gì và có đáng lo?

28-03-2019 07:13 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Có nhiều trường hợp khi mới sinh bé ra, mẹ thấy bé đã bị chảy nước mắt kéo dài nên rất lo lắng và đưa các bé đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị tắc lệ đạo bẩm sinh.

Vậy bệnh tắc lệ đạo bẩm sinh là gì và có nguy hiểm không? Dưới đây TS. BS.Lê Xuân Cung – Bệnh Viện Mắt Trung Ương sẽ tư vấn cho bạn về vấn đề này.

Chị N.H.H ở Bắc Giang cho biết, từ lúc mới sinh, chị đã thấy mắt con trai chị lúc nào cũng ướt như vừa khóc. Tuy nhiên, do mới sinh con lần đầu chị nghĩ chắc trẻ sơ sinh nào cũng thế, nhưng sau này chị để ý mỗi sáng ngủ dậy, mắt cháu thường có nhiều gèn vàng, dính. Chị lấy nước muối sinh lý tra cho con nhưng nghe nhiều người nói con bị như thế là do tắc lệ đạo, chị H. cố đợi bé lớn hơn mới đưa đi khám vì "thấy bảo đi thông đau lắm, con còn bé quá khổ thân, lớn thông một lần khỏi ngay".

Tương tự  chị N.H.L (Lạng Sơn) không biết con bị tắc lệ đạo, trong một lần đưa bé đi khám do bé bị ho sốt. Bác sĩ thấy bé không khóc nhưng mắt chảy nước nên khuyên chị nên đưa con đi khám chuyên khoa mắt. Chị đã đưa con đến bệnh viện và được các bác sĩ chẩn đoán bé bị tắc lệ đạo.

Đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp bé bị tắc lệ đạo đã được các bác sĩ khám và chẩn đoán. Nói về vấn đề này, theo TS. BS.Lê Xuân Cung – Bệnh Viện Mắt Trung Ương, bình thường mỗi bên mắt có một hệ thống dẫn lưu nước mắt xuống ngách mũi dưới gọi là lệ đạo. Khi lệ đạo thông nước mắt sẽ không bị chảy ra ngoài.

Khi bé bị chảy nước mắt các cha mẹ nên đưa bé đến khám tại phòng khám chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị đúng.

Trong trường hợp lệ đạo bị tắc, nước mắt không dẫn lưu xuống mũi được hoặc khi nước mắt tiết ra nhiều hơn bình thường (khi khóc, mắt kích thích,..) nước mắt không thoát xuống kịp sẽ gây ra hiện tượng chảy nước mắt. Có nhiều hình thái tắc lệ đạo, trong đó có tắc lệ đạo ở các bé sơ sinh.


Theo BS Cung, triệu chứng khi bé bị tắc lệ đạo là bé bị chảy nước mắt từng lúc hoặc liên tục, có thể kèm tiết tố, bết lông mi. Khi dùng tay ấn nhẹ vào góc trong mắt (vùng túi lệ) có thể thấy nước hoặc mủ chảy ra, nếu bị nhiễm trùng có thể thấy vùng góc trong mắt sưng đỏ.


Chia sẻ với những lo lắng của các bà mẹ, BS Cung cho rằng, đây là bệnh lành tính, thường không ảnh hưởng đến thị lực của bé nên cha mẹ không nên quá lo lắng nhé.

Để điều trị,  sau khi khám chẩn đoán các bác sĩ sẽ hướng dẫn bố mẹ cách massage cho bé bằng cách dùng ngón tay trỏ ấn vào góc trong mắt rồi vuốt mạnh xuống phía mũi để tạo áp lực làm mở van ngăn giữa đường lệ và ngách mũi dưới (làm theo chỉ dẫn của bác sĩ).

Mỗi ngày làm 4 lần, mỗi lần 10 cái như vậy, kèm theo với vệ sinh bờ mi bằng nước muối sinh lý tra mắt mắt. Chỉ dùng kháng sinh tra mắt khi có bội nhiễm vi khuẩn (hiếm khi bị).

TS. BS.Lê Xuân Cung – Bệnh Viện Mắt Trung Ương.

Nói về vấn đề thông lệ đạo mà cha mẹ thường e ngại khiến bé bị đau đớn, BS Cung nhấn mạnh, Thông lệ đạo thường chỉ định khi bé được 12 tháng tuổi mà vẫn chảy nước mắt. Tuy nhiên cần thông lệ đạo trong năm đầu, sau thời gian đó đó hiệu quả thông sẽ kém hơn.

“90% các trường hợp sẽ hết chảy nước mắt sau lần thông đầu tiên. Có thể thông lại sau 6 tuần nếu không hết chảy nước mắt, 6% các trường hợp thành công ở lần thông thứ 2”. BS Cung nói.

Nếu sau 2 lần thông không hiệu quả thì có thể là có bất thường nào đó về giải phẫu lệ đạo cần phải phẫu thuật khi bé được 3 đến 4 tuổi. Với những trường hợp tắc lệ đạo có kèm theo viêm kéo dài có thể cân nhắc thông sớm hơn khi bé được 6 tháng tuổi. Không nên thông sớm trước 6 tháng tuổi.

Vì vậy, khi bé bị chảy nước mắt các cha mẹ nên đưa bé đến khám tại phòng khám chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị đúng, tránh nhầm chảy nước mắt do tắc lệ đạo với những nguyên nhân nguy hiểm khác như bệnh glôcôm bẩm sinh. BS Cung khuyến cáo.

 

Tắc lệ đạo sơ sinh cũng có nhiều hình thái: không có điểm lệ (là nơi nước mắt đổ vào lệ đạo) bẩm sinh hoặc điểm lệ bị một lớp màng mỏng bao phủ, có thể kèm theo không có lệ quản hoặc phần còn lại của lệ đạo vẫn bình thường (trường hợp này ít gặp). Van Hasner (nơi ống lệ mũi đổ vào ngách mũi dưới chưa mở hết) phần còn lại của lệ đạo vẫn bình thường (trường hợp này gặp nhiều hơn). Bình thường sau khi sinh lệ đạo vẫn tiếp tục phát triển trong năm đầu đời. Vì vậy, người ta còn gọi tắc lệ đạo bẩm sinh là “lệ đạo chậm thông”. Nhiều nghiên cứu cho thấy 20% trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt. Với những trường hợp không có điểm lệ bẩm sinh, có màng điểm lệ hoặc không có lệ quản cần phải can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật. Với trường hợp do van Hasner mở chậm thì 90% các trường hợp sẽ tự khỏi trong một năm đầu.

Khánh Mai
Ý kiến của bạn