“Lao động nữ với việc nuôi con bằng sữa mẹ” là chủ đề của tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm 2015 (từ ngày 1-7/8). Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ 2015 hướng tới trao quyền cho lao động nữ, để họ có thể kết hợp công việc với nuôi dạy con cái, đặc biệt là thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.
Xác định sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà mẹ và trẻ em, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập tổ tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ tại Khoa Phụ Sản và Khoa Nhi gồm 15 cán bộ y tế, có trách nhiệm tư vấn hướng dẫn cho các bà mẹ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú đúng cách. Vì thế, được Bộ Y tế tặng danh hiệu "Bệnh viện bạn hữa trẻ em" theo tiêu chuẩn toàn cầu. Chị Hà Thị Lan, Thị trấn Thạch Hà (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: "Tôi sinh cháu đầu nên còn bỡ ngỡ, nhưng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh được các thầy thuốc tận tình tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ, cho trẻ bú đúng cách, đặc biệt hướng dẫn về lợi ích của sữa mẹ, nhất là nguồn sữa non nên sau khi sinh tôi đã cho con bú sớm để tận dụng nguồn sữa non, mong con có sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật".
Điều dưỡng đang hướng dẫn cho bà mẹ cách cho trẻ bú.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa Phụ Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ, trẻ bú sửa mẹ làm cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, dễ hấp thu giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Nếu trẻ không được bú sữa mẹ trẻ không có sức đề kháng, hệ miễn dịch kém dẫn đến mắc nhiều bệnh tật. Nên cho trẻ bú sớm trong vòng 30 phút đầu sau sinh, để trẻ được bú sữa non vì trong sữa non có nhiều sinh tố A chống bệnh khô mắt, nhiều kháng thể giúp trẻ chống sự nhiễm khuẩn, dị ứng và vàng da. Ngoài ra, cho trẻ bú sớm sẽ tăng sự tiết sữa của mẹ. Động tác mút vú mẹ sẽ kích thích sự tiết oxytocin ở não mẹ, đồng thời cũng có tác dụng làm co cơ tử cung giúp ngưng chảy máu sau sinh".
Chính vì những lợi ích thiết thực từ sữa mẹ mà nhiều phụ nữ đã dần thay đổi nhận thức, thực hành nuôi con bằng chính nguồn sữa của mình. Theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu gia tăng hàng năm, năm 2013 chỉ đạt tỷ lệ 69,56%, năm 2014 đạt tỷ lệ 77,93% nhưng đến 6 tháng đầu năm 2015 đạt tỷ lệ 91,7%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chỉ còn 12,8%.
Một số bà mẹ vẫn chưa nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và thường cho con bỏ bú sớm, có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là người chồng, các bậc ông, bà và sự bận rộn của phụ nữ bởi nhiều công việc trong ngày, thiếu kiến thức và chịu sự tác động của việc quảng cáo từ nguồn sữa ngoài trên các thông tin đại chúng. Trẻ không được bú sữa mẹ thường mắc phải một số bệnh về hệ tiêu hóa và hô hấp dẫn đến trẻ dễ bị suy sinh dưỡng. Ngoại trừ những bà mẹ bị nhiễm HIV thì được khuyên nên cho con bú bằng sữa ngoài. Còn lại những bà mẹ khác việc mất sữa vô cớ là vô cùng hiếm, nếu nhận thức đúng và có sự hỗ trợ thì hầu như tất cả các bà mẹ đều có khả năng đủ sữa nuôi con. Vì thế, cần tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, tạo cơ hội để cho phụ nữ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ./.
Thanh Loan