Trẻ khò khè kéo dài- Cảnh giác với dị vật đường thở

26-07-2020 20:49 | Đời sống
google news

SKĐS - Dị vật đường thở là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Lứa tuổi thường gặp nhất là từ 6 tháng - 3 tuổi, ở độ tuổi này trẻ rất tò mò và hay cho vào miệng các vật cầm chơi.

Dị vật đường thở gây xẹp đáy phổi phải

Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 vừa tiếp nhận bệnh nhi 15 tháng tuổi bé ho nhiều và tím tái, khó thở. Bệnh nhi là bé Trần Hoàng P. (15 tháng tuổi ngụ tại Bình Định), người nhà bé cho biết cháu bắt đầu ho và khò khè từ 10 ngày trước.

Bé được đưa đến bệnh viện địa phương khám và điều trị với chẩn đoán viêm họng, nhưng tình trạng không cải thiện. Đến ngày 13/07/2020, bé ho nhiều và tím tái, khó thở. Người nhà đến tái khám ở bệnh viện tỉnh thì được chụp X - quang ngực thẳng rồi chuyển đến BV Nhi Đồng 1 với chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở. Khi bác sĩ BV Nhi Đồng 1 khai thác kỹ bệnh sử, người nhà vẫn khộng rõ trước đó cháu sặc vật gì. Hình ảnh X - quang nghi ngờ có dị vật cản quang trong đường thở và gây xẹp đáy phổi phải.

Theo BSCK1 Lý Phạm Hoàng Vinh ngay trong đêm trực, hai bác sĩ của Khoa Tai Mũi Họng cùng nhóm phẫu thuật và gây mê nhiều kinh nghiệm đã tiến hành soi đường thở cho bé và gắp ra dị vật là bóng đèn LED dài gần 1cm, sau đó hút lấy mủ trong lòng phế quản gốc bên phải. Như vậy, có thể trước đó, bé đã sặc chiếc bóng đèn này mà người nhà không phát hiện, để dị vật bị “bỏ quên” trong lòng phế quản khoảng 10 ngày.

Sau đó, bé được tiếp tục điều trị nội khoa vì tình trạng viêm nhiễm đã kéo dài 10 ngày. Tình trạng sức khỏe của bé tạm ổn sau 2 ngày soi đường thở, không còn ho, khó thở và ăn uống bình thường.

Hình ảnh chiếc bóng đèn trong đường thở của bệnh nhi

Theo BSCKII Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1,tình trạng trẻ em sặc, hóc dị vật là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Đối với trường hợp  bệnh lần này, cần lưu ý đây là loại dị vật mới, do công nghệ đèn LED ngày càng thông dụng, mà các bóng này dễ rơi ra và các bé nhỏ hay cho vào mũi họng. Ngoài ra, với cấu tạo của loại dị vật này, lại dễ đi vào đường thở và có cấu trúc kim loại ở chân bóng nên nguy cơ gây nhiễm trùng và chấn thương (rách, thủng) cao khi xâm nhập đường thở hay đường ăn. Do vậy, người nhà cần chú ý không cho các bé chơi các đồ vật nhỏ vì rất dễ bị các cháu cho vào miệng. Ngoài ra, cũng cần tránh vừa ăn vừa cười nói để phòng ngừa nguy cơ. Chú ý khi thấy trẻ bị sặc thì tiến hành sơ cứu ngay với thủ thuật vỗ lưng ấn ngực ở trẻ nhỏ và thủ thuật Heimlich ở trẻ lớn. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.


Khi trẻ bị dị vật đường thở cần phải xử trí ban đầu
Nếu trẻ có biểu hiện ho sặc sụa ngay sau khi ăn thì cần phải nghĩ tới dị vật đường thở. Khi trẻ bị dị vật đường thở cần phải xử trí ban đầu như sau:
- Nếu trẻ ho được, khóc to, tỉnh táo nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.
-  Nếu trẻ khó thở, tím tái, không khóc được cần làm thủ thuật để tống dị vật ra ngoài.
Nghiệm pháp vỗ lưng ấn ngực 
Với trẻ dưới 2 tuổi: Dùng nghiệm pháp vỗ lưng hoặc ấn ngực

Vỗ lưng: Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
Ấn ngực: Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức).
Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
Với trẻ lớn trên 2 tuổi: Sử dụng nghiệm pháp Heimlich
Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Sau khi thực hiện thao tác trên, nếu dị vật vẫn không đẩy ra được thì phụ huynh cần khẩn trương đưa con đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Minh Lan
Ý kiến của bạn