Hà Nội

Trẻ hỏng van tim vì viêm họng

01-09-2014 19:17 | Y học 360
google news

Viêm họng, rát cổ ngỡ đơn giản, chóng khỏi, nhưng ít ai ngờ chúng có thể âm thầm tấn công xương khớp và cả trái tim của bé.

Từ đau họng đến suy tim

Hà Nội có gió mùa, mưa lạnh lai rai, Bé Nguyễn Văn An, 7 tuổi (Giảng Võ, Hà Nội) kêu với mẹ: “Con đau họng lắm”, rồi chán ăn. Mẹ bé liền cho bé súc nước muối, ngậm quất. An hết ho, hết sốt nhưng sau 3 tuần, lại kêu đau chân tay, các khớp bàn chân, bàn tay sưng to, nóng đỏ…

Lúc này mẹ An mới cho con đi khám, chị bàng hoàng khi bác sĩ cho biết bé bị thấp khớp cấp do viêm họng liên cầu khuẩn nhóm A mà không được điều trị triệt để. Bác sĩ còn cho biết, may mắn là tình trạng của bé chưa dẫn đến biến chứng vào tim. Đã có trường hợp bệnh nhi10 tuổi điều trị tại Viện Tim mạch Việt Nam được chẩn đoán hở van tim nặng phải phẫu thuật thay van nhân tạo mà nguyên nhân ban đầu cũng là do viêm họng gây thấp tim.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn (Viện Tim mạch Việt Nam) cho hay: hiện nay, bệnh thấp tim đang là nguyên nhân chính gây bệnh tim mắc phải và tử vong ở trẻ em và người trẻ tuổi ở nước ta. Nguy hiểm là nó có thể khởi phát từ nguyên nhân rất đơn giản như viêm họng, viêm đường hô hấp trên. Có rất nhiều loại virus hoặc vi trùng gây viêm họng, trong đó có loại được gọi là vi khuẩn liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A dễ gây biến chứng thấp khớp cấp hay còn gọi là bệnh thấp tim.

Còn theo Ths. Trần Trung Dũng, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện nay có rất nhiều bệnh nhi bị thấp khớp cấp vào điều trị mà nguyên do gây bệnh bắt nguồn từ viêm họng. Điều đáng nói là bố mẹ không hề biết điều này. Liên cầu khuẩn bêta nhóm A có thể tổn hại ngay trong họng những người khỏe mạnh, trong một điều kiện nào đó thì gây viêm họng và sau đó một số người mắc bệnh thấp tim.

Bởi, khi có vật lạ xâm nhập vào cơ thể, lập tức hệ miễn dịch của cơ thể kích hoạt, sản xuất ra các chất chống lại các vật lạ này (kháng thể). Khi liên cầu khuẩn A gây viêm họng, cơ thể sản xuất ra nhiều loại kháng thể trong đó kháng thể ASO (Anti Streptolysin O) gây ra thấp tim. Kháng thể ASO ngoài việc tấn công vào vi khuẩn gây bệnh, chúng còn tấn công các mô của cơ tim, thận, khớp… vì các loại mô này có tính kháng nguyên giống vi khuẩn.

50% trường hợp tái phát

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn cảnh báo, thấp tim do viêm họng nguy hiểm không chỉ vì các biến chứng cấp khó lường mà còn bởi khả năng tái phát và trở thành mạn tính rất cao. Trong giai đoạn cấp, thấp tim có thể gây viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp… có thể kèm các triệu chứng khác ở da, khớp, thần kinh; nặng nhất là khiến bệnh nhân tử vong.

Khi bệnh thành mạn tính sẽ gây tổn thương van tim (các lá van dày lên, xơ cứng, vôi hoá; các mép van có thể bị dày, dính) gây ra các bệnh về van tim, thường là hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ… Trong trường hợp nặng, người bệnh trở thành người tàn phế hoặc phải phẫu thuật dùng van tim nhân tạo. Bệnh được điều trị thì cũng rất dễ tái phát.

Bác sĩ Tuấn cho biết có khoảng phân nửa số bệnh nhân đã bị thấp tim sẽ tái phát các đợt thấp tim sau đó. Do vậy, việc phòng ngừa thấp tim tái phát là hết sức quan trọng. Nguyên nhân tái phát thấp tim là do liên cầu khuẩn A rất dễ xâm nhập vào trẻ. Nhóm khuẩn này cũng dễ lây lan từ người sang người nên khả năng tái nhiễm càng cao.

Nhận biết viêm họng gây thấp tim

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh thấp tim nhưng phần lớn là nhóm trẻ dưới 15 tuổi. Ban đầu trẻ có biểu hiện ban đầu như viêm họng, sốt cao. Sau vài tuần kể từ khi bị viêm họng, trẻ có thể xuất hiện các viêm khớp cấp. Viêm khớp có tính chất xảy ra đột ngột, hay gặp ở các khớp to vừa như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay, ít gặp viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân. Các khớp bị viêm sưng to, nóng, đỏ, đau, có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ. Hiện tượng viêm khớp thường không đối xứng mà di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Có thể tự khỏi hoặc khỏi nhanh hơn khi dùng thuốc chống viêm.

Các ông bố bà mẹ khi thấy con kêu đau chân tay sau đợt viêm họng thì nên nghĩ đến việc bé có thể đã nhiễm liên cầu nhóm A. Biểu hiện sưng khớp dễ khỏi, việc dùng thuốc 1-2 ngày bé có thể hết đau họng nhưng bạn không nên chủ quan. Có thể liều lượng đó chưa đủ diệt khuẩn liên cầu, khiến bệnh tái phát. Trong trường hợp này dù bé chưa có dấu hiệu nguy hiểm cũng cần đưa đến bác sĩ để được điều trị đúng cách, tránh biến chứng.

Phòng thấp tim: Chiến lược lâu dài

Phòng thấp tim do viêm họng có thể chia làm 2 cấp

Cấp 1: – Giữ ấm vùng cổ, tránh uống nước lạnh quá gây viêm họng.

- Nhắc trẻ cẩn thận khi giao tiếp với những bạn đang bị viêm họng để hạn chế lây lan liên cầu.

- Khi đau họng, ngậm nước muối ngày hai lần vào buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

- Điều trị viêm họng bằng kháng sinh để dứt điểm sau mỗi lần bị bệnh.

Khi viêm họng đã dẫn đến thấp tim thì cần có chiến lược phòng cấp 2 (phòng cả đời). Nguyên tắc trong phòng cấp 2 là trong cơ thể trẻ phải luôn có một lượng kháng sinh đủ để diệt vi khuẩn, định kỳ 4 tuần 1 lần đến bệnh viện tiêm penicillin.

Theo Sức khỏe Gia đình


Ý kiến của bạn