Ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể để tống xuất đờm nhớt, vi trùng ra bên ngoài, giúp đường thở được thông thoáng, bảo vệ đường hô hấp khi khí quản bị kích thích hay viêm. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài ở trẻ xảy ra trong nhiều ngày thì đây có thể là triệu chứng cảnh báo của nhiều bệnh lý ở đường hô hấp.
Ho kéo dài là khi trẻ ho liên tục trên 4 tuần. Đa số các trường hợp ho kéo dài gặp ở trẻ nhỏ (2 - 3 tuổi). Khoảng 5 - 10% học sinh cấp 1 (6 - 11 tuổi) có tình trạng ho kéo dài.
Nguyên nhân làm trẻ ho kéo dài mãi không khỏi
Ho kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ do phổi mà còn có thể do những bệnh ngoài phổi như viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh tim mạch, ho do thuốc, thậm chí do tâm lý... Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến lao và hen suyễn.
Nguyên nhân gây ho kéo dài cũng thay đổi theo tuổi. Các nghiên cứu cho thấy ở trẻ nhũ nhi nếu ho kéo dài thường là do nhiễm trùng (virus hô hấp, ho gà, nhiễm vi khuẩn không điển hình, lao...), hen phế quản, dị tật đường hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, trào ngược dạ dày - thực quản.
Đối với trẻ lớn hơn thì tình trạng ho kéo dài mãi không khỏi cũng do nguyên nhân khác nhau như: Hen phế quản, trào ngược dạ dày - thực quản, tăng mẫn cảm phế quản sau nhiễm virus đường hô hấp, dị vật đường thở bỏ quên...
Ở trẻ lớn thì tình trạng ho kéo dài mãi không khỏi có thể do các nguyên nhân thường thấy như: Giãn phế quản, ho do tâm lý, do bệnh lao…
Ảnh hưởng của ho kéo dài mãi không khỏi
Trẻ ho lâu ngày không khỏi có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ, trong đó thường gặp nhất là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ: Làm trẻ ngủ không yên, thức giấc về đêm, stress, cảm thấy lo lắng, học tập giảm sút. Mặt khác, ho cũng có thể do nguyên nhân của một số bệnh lý nguy hiểm hay gặp ở trẻ như: Ho gà, viêm phế quản, viêm phổi… đây là nguyên nhân khiến trẻ ho mãi không khỏi.
Trên thực tế, ho xuất hiện trong nhiều bệnh viêm đường hô hấp, trong đó có các bệnh viêm đường hô hấp trên như: Viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm khí quản...
Các bệnh viêm đường hô hấp dưới cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các cơn ho có đờm và kéo dài. Đặc biệt là trong viêm phế quản mạn, bệnh gây ra các cơn ho kéo dài, tái phát nhiều lần.
Điều đáng nói các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ thường có diễn biến nhanh, tác động xấu đến hệ hô hấp của trẻ, nếu không được điều trị sớm, rất dễ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới.
Việc nhận biết các biểu hiện viêm đường hô hấp của trẻ khi "mới chớm" là điều cực kì quan trọng: Vì điều này sẽ giúp trẻ sớm "cắt giảm" cơn ho, điều trị dứt điểm nguyên nhân gây ho, khò khè, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh.
Do đó, cần lưu ý khi trẻ có tình trạng ho kéo dài thì nên được đưa đi khám và xét nghiệm đầy đủ để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ có các dấu hiệu cảnh báo - cần phải đưa trẻ đi khám ngay:
- Khó thở.
- Ho ra máu.
- Ho khởi phát đột ngột sau khi trẻ ăn hay chơi (gợi ý dị vật đường thở).
- Ho kèm sốt cao.
- Ho khạc đờm đặc, màu xanh – vàng, có mùi hôi.
Những trẻ có một số triệu chứng gợi ý các nguyên nhân đặc biệt khác cũng cần đi khám càng sớm càng tốt:
- Ho có đờm kéo dài.
- Thở khò khè (gợi ý hen suyễn).
- Ho kèm sụt cân, đổ mồ hôi về chiều (gợi ý lao).
- Khó ăn/bú – khó nuốt…
Cách chăm sóc khi trẻ bị ho
Điều quan trọng đối với ho kéo dài là phải tìm được nguyên nhân và điều trị thích hợp, chứ không nên lạm dụng các thuốc ức chế ho.
Chỉ cho trẻ dùng thuốc ho khi trẻ ho quá nhiều, làm trẻ khó chịu hay gây ra hậu quả xấu như: Trẻ đau ngực, đau họng, mất ngủ, nôn ói...
Có thể cho trẻ sử dụng một số bài thuốc trị ho bằng thảo dược an toàn: Quất, hoa hồng bạch, mật ong, gừng, nước trà ấm – loãng...
Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc ho điều trị cho trẻ. Chỉ nên dùng thuốc ho phù hợp với lứa tuổi và phù hợp với tính chất ho của trẻ và phải theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không nên dùng các loại thuốc ho dành cho người lớn để chia nhỏ cho trẻ uống, vì có thể có tác dụng phụ và độc tính. Vì một số loại thuốc ho mạnh, hiệu quả dùng cho người lớn có thể làm trẻ nhỏ bị ngộ độc, thậm chí tử vong.
Trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh luôn phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tránh kiêng cữ quá khiến trẻ bị thiếu chất. Giúp trẻ vệ sinh mũi, họng thường xuyên bằng các dung dịch y tế hay nước muối sinh lý, điều này cũng sẽ giảm bớt sự khó chịu của bệnh gây ra.
Theo dõi tình hình bệnh của trẻ và báo cho bác sĩ, không được bỏ lỡ bất kỳ buổi hẹn tái khám nào với bác sĩ.