Nếu có sức đề kháng kém, trẻ có thể mắc tới 8-12 lần bệnh đường hô hấp mỗi năm, thậm chí lần sau tái phát cách lần trước chỉ 1-2 tuần. Tuy nhiên để điều trị ho phải điều trị nguyên nhân gây ho. Khi nguyên nhân gây ho được giải quyết thì ho cũng sẽ hết. Bởi vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán xác định nguyên nhân. Việc tự ý dùng thuốc cho trẻ, dùng thuốc không đúng là những sai lầm mà các bậc làm cha mẹ cần tránh.
Khi nào cho trẻ dùng thuốc ho?
Nhiều người cứ thấy trẻ ho là sốt ruột vội ra hiệu thuốc mua thuốc giảm ho cho trẻ mà không biết ho là một phản ứng của cơ thể để tống các chất kích thích, chất nhầy tiết nhiều ra khỏi các ống dẫn khí. Đây là một cơ chế để bảo vệ tốt bộ máy hô hấp nên trong nhiều trường hợp, không nên tìm cách ngăn cản triệu chứng ho. Đặc biệt, không dùng thuốc giảm ho trong các bệnh như viêm phế quản cấp, hen phế quản, viêm phổi... Trong những trường hợp này ho để tống đờm dãi ra ngoài cơ thể, làm sạch đường thở. Việc cho trẻ uống thuốc giảm ho sẽ gây ứ đọng các chất đờm dãi, dịch... ở đường hô hấp, gây cản trở sự hô hấp và gây ứ khí phế nang, làm giảm khả năng chống lại vi trùng, làm cho bệnh nặng hơn. Đối với trường hợp ho có nhiều đờm dãi ở trẻ, điều quan trọng là phải làm sạch đường thở cho trẻ bằng các biện pháp không dùng thuốc như giúp trẻ xì mũi, hút đờm dãi đúng cách...
Khi trẻ bị ho, không nên tự ý dùng thuốc trị ho cho trẻ (ảnh minh họa).
Chỉ dùng thuốc giảm ho trong trường hợp trẻ ho khan, ho do kích ứng, dị ứng. Khi trẻ ho khan nhiều quá, bị mất sức vì ho ban đêm thì mới cho uống thuốc ho để làm dịu cơn ho. Các thuốc giảm ho thường dùng là thuốc kháng histamin ở dạng sirô như théralène (alimenazine)… Tuy nhiên cũng có khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 2 tuổi dùng thuốc trị ho chứa thuốc kháng histamin (như sirô phénergan) vì đối với trẻ quá nhỏ thuốc có thể gây kích động, co giật.
Khi thấy trẻ ho và đã cho trẻ dùng thuốc sirô chống dị ứng 2,3 ngày mà không thấy đỡ thì nên đưa trẻ đi khám. Lúc này, việc lựa chọn khi nào nên dùng thuốc trị ho khan, khi nào dùng thuốc làm loãng đàm, thậm chí dùng thêm kháng sinh, thuốc chống viêm loại corticoid thì chỉ có bác sĩ là người những người có chuyên môn chỉ định dùng đúng thuốc mới đem lại hiệu quả điều trị cho trẻ. Việc tự ý dùng thuốc cho trẻ, hoặc dùng lại đơn thuốc cũ đều là những sai lầm mà các bậc làm cho mẹ cần tránh.
Dùng kháng sinh khi nào?
Trong một số trường hợp, các bác sĩ điều trị sẽ kê đơn cho trẻ dùng thuốc chống viêm loại corticoid như prenisone, dexamethasone… khi trẻ bị viêm đường hô hấp nặng như viêm phổi, viêm phế quản. Hoặc các loại thuốc làm loãng đờm tức làm giảm độ quánh đặc của đàm nhầy trong phế quản như mucomyst, exomuc… khi trẻ có đờm đặc. Và cho trẻ dùng kháng sinh do đã xác định được ho lúc này là triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc xác định có bội nhiễm. Đặc biệt lưu ý, những thuốc như kháng sinh, thuốc chống viêm corticoid đều phải do bác sĩ chỉ định, các bậc phụ huynh không nên tự ý tìm cách mua cho trẻ dùng, dùng sai sẽ có hại cho trẻ.
Việc dùng kháng sinh phải theo chỉ định, với mục tiêu khỏi bệnh lâm sàng tối đa, vi khuẩn chết không thể đột biến, giảm thiểu kháng thuốc. Thực tế vẫn còn có nhiều trường hợp dùng thuốc chưa đúng như: Dùng các kháng sinh đã bị vi khuẩn kháng thuốc, hiệu lực kém hoặc dùng kháng sinh khi bệnh mới ở độ I, chưa cần dùng hoặc lạm dụng các kháng sinh mạnh. Điều này làm hiệu quả điều trị và gia tăng tình trạng kháng thuốc, nguy hiểm cho trẻ sau này.
Khi trẻ bị ho, các bậc phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Thực tế, hầu hết các bác sĩ đều không khuyến khích việc bố mẹ tự ý cho trẻ nhỏ dùng thuốc.
Để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi, nên thực hiện: Tiêm chủng đầy đủ những vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đúng cho trẻ, ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn, uống đủ nước, thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường để phòng chống bệnh nhrửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh...