Câu hỏi: Chào Bác sĩ! Con gái em cháu được 19 tháng, cháu bị ho, sổ mũi. Em cho bé đi khám thì cháu bị viêm amidan cấp mủ. Bác sĩ kê cho cháu thuốc anphadeka, aumentin, colergis. Cháu uống 5 ngày vẫn còn ho và sổ mũi. Em cho cháu đi khám lại thì họng không có đốm trắng, nhưng lại bị viêm phế quản. Bác sĩ kê thuốc claminat, anphadeka, zinkof, acemuc, ganusa. Khi về nhà cháu sốt 38,4 độ. Bác sĩ cho em hỏi cháu như vậy có cần nằm viện không, chăm sóc cháu thế nào? Cảm ơn bác sĩ nhiều!
Trả lời:
Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là vi - rút, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi - họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Theo TS. Vũ Thị Lừu - Chuyên khoa Nội - Tiêu hóa - Bệnh viện E, cho biết:
Vi-rút là nguyên nhân chính gây nên bệnh giai đoạn đầu, thường thấy ở trẻ sau khi bị viêm hô hấp trên, cảm lạnh, ho sổ mũi, cúm hay viêm xoang. Sau đó nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì vi-rút có thể lây lan tới hai cuống phổi (bộ phận nối họng và hai lá phổi với nhau), làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi, gây kích thích trẻ sẽ ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và tiết dịch. Nếu trẻ có những biểu hiện trên cùng với sốt kéo dài trong vài ngày hay ho kéo dài trong vòng từ 2 - 3 tuần, có thể trẻ đã bị viêm phế quản. Tiếp sau đó, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh. Ngoài sốt ra trẻ có thể có cảm giác đau ngực, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn ói.
Nếu con bạn được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ cha mẹ cần:
- Vệ sinh đường hô hấp như: súc họng, xịt rửa mũi bằng dung dịch nước muối loãng
- Duy trì chế độ ăn như bình thường, tránh kiêng cữ quá mức. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Tăng cường rau xanh, nước hoa quả.
Cần đưa trẻ tới bệnh viện khi thấy bé có những biểu hiện trở nặng như:
- Bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú.
- Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã cho trẻ hạ sốt tích cực.
- Trẻ bị co giật, lừ đừ hoặc hôn mê.
- Trẻ thở khác ngày thường: thở nhanh, thở mệt, thở co lõm ngực hoặc tím tái.