Ghi nhận tại BV. Nhi Đồng 1 (TP.HCM), sau một tuần nắng nóng, mỗi ngày bệnh viện này có khoảng 5.000 đến 5.500 bệnh đến khám, tăng khoảng 1.000 trẻ so với thời điểm trời mát. Dự kiến bệnh nhi sẽ còn tăng nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Còn tại BV. Nhi Đồng 2, trong 10 ngày qua, lượng trẻ đến thăm khám mỗi ngày trung bình từ 5.000 - 6.000 trẻ và hiện đang có dấu tăng không ngừng. Nguyên nhân khiến bệnh tăng là do TP.HCM đang bước vào đợt thời tiết mát vào buổi sáng, trưa nóng gắt và chiều hạ nhiệt bất thường.
Bệnh hô hấp và tiêu hóa: Lưu ý hàng đầu
BS.CKII. Phạm Văn Hoàng, trưởng khoa Khám bệnh BV. Nhi Đồng 1 cho biết, do trẻ có cơ thể yếu nên rất dễ bị ảnh hưởng vì nắng nóng, trong đó rối loạn nước và điện giải khi bài tiết mồ hôi rất nhiều; tim phổi sẽ hoạt động nhiều hơn cho nên trẻ dễ mệt và kiệt sức; ngoài ra hệ miễn dịch giảm dưới tác động của nắng nóng, tia UV, hoạt động của tế bào bạch cầu lympho cũng giảm đi do đó khả năng chống chọi với vi khuẩn giảm. Trẻ dễ bị mắc một số bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt các bệnh hô hấp, tiêu hóa do các hệ thống hô hấp và tiêu hóa tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn rất nhiều.
Với hô hấp, trẻ thường sốt ho thông thường dần diễn tiến sang mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, nhập viện trong tình trạng nặng nếu không đi khám sớm. Về bệnh tiêu hóa, trong môi trường nắng nóng, vi khuẩn trong thức ăn có thể tăng lên từ 4 đến 8 lần khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, trẻ khi ăn uống thức ăn này có thể bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, biểu hiện bằng tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu đàm máu.
Nhiệt độ TP.HCM lên đến 390C khiến nhiều người ra đường phải che kín mặt
Sốc nhiệt và bỏng da: Nguy hiểm không kém
Bệnh lý về da như bỏng da do nắng do nhiệt, để lâu dài có thể ung thư da; hoặc các tổn thương về mắt gây giảm thị lực, lâu dài tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể.
Tia cực tím cao nhất từ 10g sáng đến 14g, chính vì thế phụ huynh cần tránh cho trẻ nhỏ ra đường thời điểm này. Với tia UV như thời điểm hiện nay, nếu trực tiếp đi ngoài nắng khoảng 10 - 15 phút, trẻ đã có thể bị bỏng da và nếu UV nhẹ hơn phơi da trần ngoài nắng khoảng 25 phút cũng gây bỏng da.
Khi ra nắng nên đội mũ rộng vành, mặc áo khoác che kín mặt và tay, mang kính mát, các biện pháp bảo vệ có thể làm giảm từ 60 - 70% tác hại của tia cực tím. Tia UV có thể xuyên qua kính xe ôtô (nếu kính không chống tia UV) nên người ngồi ô tô vẫn phải lưu ý che chắn cơ thể.
Ngoài gây bỏng da và giảm hệ miễn dịch, nắng nóng còn gây sốc nhiệt, nhất là với hai đối tượng trẻ em và người lớn, cho nên người lớn tuổi và trẻ em phải hết sức quan tâm. Đi ngoài nắng nóng như hiện tại khoảng 20 phút, cơ thể có thể gây nên các xáo trộn như mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn hệ tuần hoàn và hô hấp.
Cơ thể bị sốc nhiệt có thể biểu hiện qua các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, khó thở, ngất xỉu. Nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể bị co giật do tổn thương não. Nếu xảy ra các triệu chứng sốc nhiệt nạn nhân cần được sơ cứu ngay bằng cách đưa vào chỗ mát, cho uống nước, dùng khăn mát để lau. Tránh chườm đá, tránh dùng nước lạnh dội vào người bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến cơ thể bị loạn nhịp tim có thể gây đột quỵ. Trong trường hợp bệnh nhân quá nặng, sau khi đưa vào nơi có bóng mát cần gọi cấp cứu ngay để kịp được sơ cứu và điều trị đúng cách để tránh tổn thương não.
Những điều nên tránh
Việc cho con đi hồ bơi là bộ môn tốt cho cơ thể nhưng phải lưu ý bơi đúng thời điểm. Cụ thể là nên tránh thời gian nắng nóng nhất trong ngày từ 10g đến 14g, cơ thể dù xuống nước, nhiệt độ cơ thể tuy không tăng bằng ở trên bờ nhưng vẫn hứng chịu tác động của tia UV. Chính vì thế không nên tắm trong thời gian này.
Với máy điều hòa, phụ huynh cũng không nên để nhiệt độ quá thấp vì cơ thể bé sống ở vùng nhiệt đới như Việt Nam rất dễ bị cảm lạnh hơn trẻ ở các vùng ôn đới. Nhiệt độ thích hợp khoảng 270C đến 280C, để máy lạnh ở 250C dễ làm trẻ cảm lạnh. Phụ huynh cũng nên tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột ở trẻ theo kiểu vừa đi nắng, đã vào phòng máy lạnh hoặc đang từ phòng máy lạnh, lập tức đi ra nắng nóng.
Nắng nóng cũng không nên chỉ trốn ở trong nhà từ sáng đến tối vì sẽ làm trẻ thiếu vitamin D, nên cho trẻ ra nắng vào lúc nắng dịu khoảng 8g - 9g sáng.
Về việc dinh dưỡng, mùa nắng nóng nên cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm để đảm bảo đủ dinh dưỡng, đủ điện giải và đủ các vi chất để trẻ có đủ năng lượng, khỏe mạnh để chống chọi với bệnh tật. Tuy nhiên phải cho trẻ ăn thức ăn sạch, dạy trẻ thường xuyên rửa tay để tránh nhiễm khuẩn. Nên bảo quản thực phẩm đúng cách, không để thực phẩm bên ngoài, nên trữ lạnh nhưng không nên để thực phẩm quá lâu (tốt nhất là ăn trong ngày, chậm nhất là đến hôm sau chứ không nên để lâu tránh nhiễm khuẩn). Nên nhớ thức ăn để ngăn mát tủ lạnh vẫn phát triển vi khuẩn.
Nhiều phụ huynh đưa trẻ đến BV. Nhi Đồng 1 khám trong những ngày nắng nóng
Bệnh mức nào nên đưa trẻ đi khám?
Trẻ thường chỉ bị hai nhóm bệnh chính trong mùa nắng nóng đó là hô hấp và tiêu hóa. Trẻ có thể bị sốt và ho. Phụ huynh tránh tự đi mua thuốc ở nhà thuốc bởi đôi khi trẻ chưa cần uống kháng sinh, các nhà thuốc đã cho uống kháng sinh, điều rất có hại vì sẽ khiến trẻ bị kháng kháng sinh nếu điều trị lâu dài. Tuy nhiên nếu cứ để trẻ ở nhà không đi khám cũng có thể khiến trẻ bị bệnh nặng, chính vì thế nên đưa trẻ đi khám nếu bé bị sốt, ho kéo dài hơn hai ngày (uống giảm sốt xong, bị sốt lại). Điều này giúp trẻ tránh khỏi tình trạng viêm phổi nặng.
Với trẻ bị tiêu hóa, nếu trẻ bị đi cầu lỏng 3 - 4/ngày, nên cho trẻ uống nhiều nước, vệ sinh sạch sẽ, uống bù oresol tại nhà. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiều, kèm theo sốt, phụ huynh nên cho trẻ khám bệnh để phòng trường hợp bé bị mất nước do các trẻ thường bị mất nước rất nhanh, khiến trẻ có thể nhập viện trong tình trạng nặng. Phụ huynh không nên tự cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy vì có thể gây liệt ruột khiến nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
Về bệnh lý da nếu thấy da trẻ bị đỏ kéo dài sau khi đi ngoài nắng cũng nên đưa trẻ đi khám. Các nốt nhọt da cũng nên đưa đi khám vì có thể trẻ đã nhiễm khuẩn. Ở trường hợp trẻ than đau mắt kéo dài cũng nên đưa đi khám.
- Tại BV. Nguyễn Trãi (TP.HCM) mỗi ngày có đến vài chục bệnh nhân cao tuổi ở TP.HCM đến khám, phần lớn đều mắc các chứng bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Một số khác cảm thấy tức ngực, khó thở, ăn uống không ngon, ngủ không sâu. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại BV. ĐH Y Dược TP.HCM, BV. Nhân dân Gia Định…
- Nằm điều trị tại BV. Nguyễn Trãi do bị làm mệt, nhịp tim không ổn định, bệnh nhân N.V.K, 78 tuổi nhà ở quận 5, cho biết trời nắng nóng kéo dài khiến ông cảm thấy khó thở, nhịp tim đập nhanh hơn bình thường. “Tôi vốn bị bệnh tim, những ngày nắng nóng là tôi lại bị làm mệt. Nhà có máy lạnh nhưng vào máy lạnh xong, khi ra bên ngoài là tôi muốn sốt. Mấy hôm nay nóng quá nên phải vào bệnh viện để được bác sĩ chăm”.
- Một trường hợp khác, bà V.T.Y, 80 tuổi nhà ở quận 1 cũng nằm điều trị viêm phổi tại BV. Nguyễn Trãi cho biết dù đã mở quạt suốt ngày nhưng vẫn cảm thấy bị nóng nên thường xuyên tắm nước lạnh. Sau hai lần tắm, bà thấy sốt và khó thở.
- Theo các bác sĩ, do cơ thể người cao tuổi đã suy yếu, sức đề kháng kém, nên tim mạch, đột quỵ, thần kinh, hô hấp và rối loạn tiêu hóa là những bệnh dễ gặp nhất ở người già trong những ngày nắng nóng kéo dài. Nguy hiểm hơn cả là những người có bệnh mạn tính.
- Với thời tiết nắng nóng kéo dài, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng, phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, nhiệt độ điều hòa 27 - 280C là thích hợp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.