Hà Nội

Trẻ em sống trong vùng ô nhiễm không khí, cần kiểm tra huyết áp

11-05-2021 16:15 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến trái tim của người lớn, một phân tích mới đây còn cho thấy, tình trạng này có thể gây tăng huyết áp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy, khi tiếp xúc ngắn hạn với không khí bị ô nhiễm (với các hạt thô hơn) hoặc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn trong không khí… trẻ em có thể bị tăng huyết áp.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi lo ngại về ô nhiễm không khí có ảnh hưởng đến bệnh tim mạch. Nhưng phát hiện này đã cho thấy, ô nhiễm không khí ảnh hưởng ngay trong giai đoạn đầu đời, đặc biệt là tăng huyết áp và có thể gây ra hậu quả kéo dài, thậm chí là suốt đời của trẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trẻ em bị tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ sau này trong cuộc đời.

Kết luận của báo cáo mới dựa trên dữ liệu của hơn 350.000 trẻ em, độ tuổi trung bình từ 5 đến 12. Dữ liệu được tổng hợp từ 14 nghiên cứu trước đó kiểm tra mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và huyết áp ở những người trẻ tuổi; cho thấy, tiếp xúc ngắn hạn với ô nhiễm không khí dạng hạt thô hơn (PM10), có liên quan đến tăng huyết áp tâm thu ở những người trẻ tuổi. Tiếp xúc lâu dài với các hạt mịn (PM2.5), cũng như ô nhiễm hạt PM10 thô, làm tăng cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

CDC lưu ý rằng, những hạt này có thể bao gồm bụi, chất bẩn, bồ hóng, khói và những giọt chất lỏng. Khí thải từ các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp và xe cộ có chứa ô nhiễm dạng hạt mịn. Các nhà máy và công trường xây dựng có thể tạo ra các hạt thô hơn.

Theo các nhà khoa học, ô nhiễm không khí có thể làm tăng huyết áp của trẻ em do gây căng thẳng cho cơ thể. Khói cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các mạch máu, khiến chúng trở nên kém linh hoạt hơn.

Tiến sĩ Sanjay Rajagopalan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tim mạch tại Trường Y thuộc Đại học Case Western Reserve, ở Cleveland cho biết, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trên thế giới, với khoảng 9 triệu ca tử vong mỗi năm.

Tuy nhiên, vấn đề có thể còn tồi tệ hơn ước tính trước đây, vì con số tử vong do ô nhiễm không khí không tính đến huyết áp cao, đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. TS Rajagopalan nhấn mạnh.

Mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tăng huyết áp đã được ghi nhận ở người lớn và trên khắp các châu lục, ở các quốc gia có nhiều nhóm dân cư, và cả ở mức độ ô nhiễm không khí thấp như ở Bắc Mỹ và mức độ rất cao như Ấn Độ và Trung Quốc.

Các nhà khoa học khuyến cáo, nên đo huyết áp thường xuyên ở trẻ em và thanh thiếu niên, để phát hiện trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí cũng như các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tăng huyết áp hay không.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn