Trẻ em không được tiêm vaccine COVID-19 có đáng lo trước đại dịch?

17-09-2021 14:38 | Vaccine

SKĐS - Hiện nay, mới chỉ có vaccine COVID-19 dành cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Nhiều phụ huynh lo lắng liệu con em mình có an toàn không trong đại dịch? Khi nào có vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi? Trước khi có vaccine, có cách nào để bảo vệ trẻ?

Trẻ em không được tiêm vaccine COVID-19 có đáng lo trước đại dịch? - Ảnh 1.

Hệ miễn dịch hoạt động tốt giúp trẻ ít gặp rủi ro hơn

Trẻ em có hệ miễn dịch tốt với SARS-COV-2 và ít rủi ro bệnh COVID-19 nặng. Thống kê từ tháng 3/2020 đến đầu tháng 8/2021 trên toàn nước Mỹ cho thấy, chưa đến 2% bệnh nhân nhập viện do COVID-19 là dưới 18 tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra lý do vì sao trẻ em hầu như không bị bệnh COVID-19 nặng là do hệ miễn dịch trẻ em đối phó với SARS-CoV-2 tốt hơn người lớn.

Sự khác biệt về phản ứng miễn dịch ở trẻ em và người lớn

Để hiểu hơn về trẻ em và COVID-19, cần hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của hệ miễn dịch ở trẻ.

Chúng ta có 2 loại miễn dịch: Miễn dịch tự nhiên (có sẵn trong cơ thể) và miễn dịch thu được (cơ thể tạo thêm kháng thể và tế bào miễn dịch qua quá trình tương tác với virus, vi khuẩn, từ đó cơ thể học cách nhớ mặt các bệnh này).

Trẻ em không được tiêm vaccine COVID-19 có đáng lo trước đại dịch? - Ảnh 1.

Trẻ em có hệ miễn dịch tốt nên ít nguy cơ hơn người lớn trước đại dịch.

Hệ miễn dịch tự nhiên là miễn dịch phản ứng tại chỗ, nhanh, nhưng không cụ thể, không rõ ràng, không có sự lựa chọn hay trí nhớ miễn dịch. Trong khi đó miễn dịch thu được là phản ứng chậm hơn, có lựa chọn và có trí nhớ miễn dịch thông qua tương tác kháng thể với các tế bào khác. Cả người lớn và trẻ em đều có 2 loại miễn dịch này nhưng cách phản ứng của hai loại miễn dịch có thể có kết quả khác nhau với virus SARS-CoV-2.

Ở trẻ em, bảo vệ cơ thể ban đầu chủ yếu là hệ miễn dịch tự nhiên, gồm: Làn da, tế bào đại thực bào, tế bào bạch cầu... Hệ miễn dịch thu được gồm tế bào T, tế bào B, Natural Killer T cell - có khả năng nhận biết virus, nhớ virus vi khuẩn, nhớ bệnh và có thể gọi là lực lượng tinh nhuệ trung ương. 

Trẻ em không được tiêm vaccine COVID-19 có đáng lo trước đại dịch? - Ảnh 3.

BS.Huỳnh Wuynn Trần

Khi virus vào cơ thể trẻ em, nơi hệ miễn dịch tự nhiên lập tức phản ứng nhanh, nhiều và mạnh… Có thể lập tức đánh bại virus ngay lúc virus vừa xâm nhập, khi virus chưa kịp nhân bản nhiều trong lúc đợi miễn dịch thu được phát triển.

Biến thể Delta có thể gây khó khăn cho hệ miễn dịch trẻ em do tính lây lan cao và khả năng nhân bản cao. 

Đó chính là lý do mà tính từ đầu dịch đến tháng 7, tại Mỹ có 3.469 trẻ em mắc COVID-19. Nhưng theo thống kê của viện hàn lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ, tính từ tháng 8 đến nay, con số này tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, cho đến giờ, trẻ em vẫn ít bị nhiễm hơn người lớn ở biến thể Delta.

Vaccine COVID-19 có hiệu quả bảo vệ cao ở trẻ em trên 12 tuổi

Hiện nay, có hai nghiên cứu vaccine ở trẻ em trên 12 tuổi và cả hai nghiên cứu này đều có những kết quả tốt.

Nghiên cứu nhóm đối chứng ngẫu nhiên của Pfizer trên 2.260 trẻ em (12-15 tuổi), đăng trên NJEM cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả đến 100%. Cụ thể, không có ở nhóm tiêm vaccine so với 16 ca nhiễm ở nhóm không tiêm.

Nghiên cứu nhóm đối chứng ngẫu nhiên của Moderna thử nghiệm trên 3.732 trẻ em (từ 12-17 tuổi) cho thấy hiệu quả 100%, với số ca nhiễm là 0 ở nhóm tiêm vaccine và 4 ca ở nhóm không tiêm vaccine.

Nhưng cả 2 nghiên cứu này đều có số lượng người tham gia nghiên cứu thấp, nên số ca nhiễm khi tiêm vaccine là không thấy. Nếu với nghiên cứu lớn hơn khoảng 30.000 người, khi đó hiệu quả không còn là 100% nữa, nhưng có thể vẫn còn cao.

Như vậy, có thể thấy là vaccine bảo vệ hiệu quả trẻ em ở tuổi 12-15, thậm chí còn có thể cao hơn và so với người lớn. Cả hai nghiên cứu vaccine COVID-19 trên trẻ em đều không có tác dụng phụ nguy hiểm hay tử vong. Vì vậy, trẻ em trên 12 tuổi được khuyến khích tiêm vaccine COVID-19 như người lớn.

Khi nào trẻ dưới 12 tuổi có vaccine COVID-19?

Mỹ có khoảng 48 triệu trẻ em dưới 12 tuổi và nhiều cha mẹ đang mong chờ kết quả nghiên cứu vaccine cho nhóm đối tượng này.

Hiện nay, có nhiều nghiên cứu giai đoạn 3 trên trẻ em dưới 12 đang được thực hiện tại Mỹ. Nghiên cứu của Pfizer, gồm thử nghiệm vaccine ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi dự định sẽ công bố trong vài tuần tới.

FDA gần đây ra khuyến cáo kéo dài thêm thời gian thử nghiệm và theo dõi ở trẻ em, từ 2 tháng lên 6 tháng, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cho vaccine. FDA cũng đề nghị Pfizer/Moderna tăng theo số lượng bệnh nhân thử nghiệm giai đoạn 3. Chúng ta sẽ chờ FDA phân tích về dữ liệu, hy vọng vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi sẽ được chấp thuận vào tháng sau.

Cách nào để bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi, khi chưa có vaccine?

Trong khi chúng ta chưa có vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi thì những cách dưới đây có thể giảm rủi ro trẻ mắc và nhiễm bệnh COVID-19.

- Xét nghiệm ngay khi trẻ em có triệu chứng để theo dõi và chữa trị. Các triệu chứng COVID-19 ở trẻ em có thể tương tự như người lớn. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em sẽ ít bị triệu chứng nặng nên quý cha mẹ cần theo dõi kỹ nếu có bất kỳ thay đổi nào ở trẻ, ví dụ như sổ mũi hay cảm sốt, mệt mỏi, biếng ăn.

Trẻ em không được tiêm vaccine COVID-19 có đáng lo trước đại dịch? - Ảnh 4.

Càng nhiều người lớn tiêm vaccine COVID-19 sẽ giúp bảo vệ trẻ em trước đại dịch.

- Trẻ em với bệnh mạn tính như hen suyễn, béo phì, đái tháo đường sẽ dễ mắc COVID-19 hơn, vì vậy, cha mẹ nên theo dõi cẩn thận và chữa trị các bệnh cho tốt.

- Tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả người lớn và trẻ em trên 12 tuổi trong nhà để giảm thiểu lây lan và nhiễm bệnh đến trẻ em. Các nghiên cứu chỉ ra càng nhiều người xung quanh trẻ tiêm vaccine thì khả năng nhiễm bệnh và lây nhiễm của trẻ cũng giảm.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người chưa tiêm vaccine.

- Hạn chế trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp hay nghi ngờ mắc COVID-19.

Trẻ em có hệ miễn dịch tốt, có thể bảo vệ cơ thể tốt khi gặp SARS-CoV-2. Trẻ em ít mắc bệnh COVID-19 hơn, ít nhập viện và ít tử vong vì COVID-19 so với người lớn. Tuy nhiên, trẻ em vẫn có thể nhiễm virus, vẫn có thể là người trung gian gây lây nhiễm cho nhiều người.


10 câu hỏi nhanh đáp gọn về tiêm vaccine COVID-19 10 câu hỏi nhanh đáp gọn về tiêm vaccine COVID-19

SKĐS - Ngoài những thông tin hướng dẫn chuẩn bị trước và sau tiêm vaccine COVID-19 trên những kênh thông tin chính thống, vẫn còn một số vấn đề cộng đồng quan tâm mong có được thông tin đầy đủ.

BS Huỳnh Wynn Trần
Ý kiến của bạn