Trẻ em dễ nhiễm giun

12-09-2015 08:14 | Đời sống
google news

SKĐS - Nhiễm giun đường ruột là bệnh phổ biến ở nước ta, do khí hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, thói quen ăn uống thiếu vệ sinh.

Nhiễm giun đường ruột là bệnh phổ biến ở nước ta, do khí hậu nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, thói quen ăn uống thiếu vệ sinh. Đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao. Hậu quả của nhiễm giun đường ruột làm cho trẻ biếng ăn, chậm lớn, thiếu máu, suy dinh dưỡng và các biến chứng nguy hiểm khác.

Nhiễm giun đường ruột là nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng, chậm lớn. Ảnh minh họa.

Đường lây truyền của giun chủ yếu qua ăn uống. Người bị nhiễm giun do thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh: ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm. Ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng có trồng rau màu, lại dùng phân tươi để bón rau, cây trồng là điều kiện thuận lợi để giun sán phát triển.

Tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm giun sán. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cao nhất là trẻ em do trẻ thường hiếu động hay bò chơi lê la trên sàn nhà rồi lại mút tay, có khi trẻ đánh rơi thức ăn xuống đất rồi lại nhặt lên ăn. Trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ, mầm non dễ mắc giun kim. Một trẻ bị mắc giun kim khi bò hoặc ngồi chơi dưới đất, trứng giun kim sẽ rơi ra đất rồi theo tay hoặc đồ chơi vào miệng. Như vậy, trẻ dễ làm lây sang nhau hoặc tự làm cho mình bị nhiễm trứng giun của chính mình.

Bác sĩ Nguyễn Văn An

 

​Lời khuyên của thầy thuốc

Nhiễm giun đường ruột có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ, tuy nhiên việc phòng bệnh lại rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Vệ sinh môi trường: Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, vườn tược sạch sẽ. Quản lý chặt chẽ phân, nước rác. Mỗi gia đình cần có hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước. Không dùng phân tươi chưa ủ kỹ bón ruộng. Không để ruồi nhặng đậu vào thức ăn. Không để chó, lợn, gà... tha phân gây ô nhiễm môi trường.

- Vệ sinh cá nhân: Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ, rửa hậu môn bằng xà phòng sau mỗi lần trẻ đi đại tiện, không cho trẻ đi đại tiện bừa bãi, không để trẻ ở truồng hay mặc quần thủng đít. Không để trẻ bò lê la, nghịch đất cát, nhắc nhở trẻ thường xuyên đi giày dép, kể cả đi học và ở nhà, vệ sinh đồ chơi cho trẻ hằng ngày.

- Vệ sinh ăn uống: Thực hiện tốt ăn chín uống sôi. Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt ăn uống của trẻ. Tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Bản thân người lớn cũng phải chú ý việc này, nhất là trước khi chuẩn bị đồ ăn và cho bé ăn. Các loại trái cây nên rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn. Thức ăn đậy kín không để ruồi, nhặng đậu vào.

- Tẩy giun định kỳ: Định kỳ 6 tháng cho trẻ uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một người bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà. Thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên mới nên tẩy giun, tuy nhiên trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn do bị nhiễm giun có thể tẩy sớm hơn nhưng phải được bác sĩ tư vấn và chọn loại thuốc thích hợp.

Mời các bạn xem bài sau: Các loại giun đường ruột thường gặp

vào ngày 13/9/2015

 


Ý kiến của bạn