Trẻ em cần nhập viện điều trị viêm phổi khi nào?

30-11-2024 16:35 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Viêm phổi là vấn đề hay gặp ở trẻ em, viêm phổi có thể xuất hiện khi trẻ đang trong các đợt bệnh đường hô hấp kéo dài. Tìm hiểu các triệu chứng của viêm phổi sẽ giúp cha mẹ sớm phát hiện bệnh, tránh trường hợp trẻ chuyển sang viêm phổi nặng.

Những triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị viêm phổiNhững triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi

SKĐS - Viêm phổi là bệnh hô hấp nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều trẻ nhập viện muộn, bị đe dọa đến tính mạng do cha mẹ trẻ không nhận biết sớm triệu chứng của viêm phổi.

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi vi khuẩn hay virus mắc kẹt trong cơ quan này, chúng sinh sôi nảy nở và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn và một số loại virus khác cũng gây nên bệnh này.

Viêm phổi ở trẻ em xảy ra khá phổ biến. Lúc này các túi khí trong phổi của trẻ sẽ chứa rất nhiều mủ và dịch nhầy. Đây cũng là lý do khiến cơ thể trẻ không được hấp thụ đủ lượng oxy cần thiết.

Biểu hiện viêm phổi ở trẻ em

Khi mắc viêm phổi thì trẻ thường bị ho vừa đến nặng, thường là ho nặng tiếng. Đặc biệt tình trạng viêm phổi sẽ khiến trẻ thở nhanh liên tục (khác với biểu hiện thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao).

Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (đối với trẻ từ 2 tháng - 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (với trẻ trên 1 tuổi).

Đếm nhịp thở khi trẻ đang nằm yên và không hoạt động gắng sức. Dùng đồng hồ có kim giây để đếm trong vòng 1 phút.

Thở gắng sức biểu hiện là cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (vị trí phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.

Thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ, nhưng cơ thể trẻ không thể cố gắng mãi. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.

Sốt vừa đến sốt cao nhưng đôi khi không có ở trẻ có hệ miễn dịch yếu. Trẻ nôn không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho. Tím tái quanh môi và ở mặt do trẻ bị thiếu oxy.

Thở rít, mặc dù thở rít thường là biểu hiện của nhiễm virus nhiều hơn, nhưng đôi khi đây cũng là biểu hiện của viêm phổi.

Trẻ em cần nhập viện điều trị viêm phổi khi nào?- Ảnh 2.

Viêm phổi ở trẻ em là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nặng, xảy ra khá phổ biến. Ành minh hoạ.

Biến chứng của viêm phổi ở trẻ em

Nếu không được điều trị, viêm phổi ở trẻ có thể gây những biến chứng như:

  • Áp xe phổi: Các vùng nhiễm trùng ở phổi rất dễ trở thành các ổ áp xe.
  • Nhiễm trùng máu: Nhiễm trùng ở phổi có thể lây lan sang máu và dần dần nhiễm trùng từ máu sẽ lây lan qua các bộ phận khác trong cơ thể.
  • Tràn dịch màng phổi: Việc tích tụ dịch quá nhiều dễ gây ra tràn dịch màng phổi. Điều này sẽ chèn ép lên phổi và gây khó thở.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp: Những người bị viêm phổi cả hai thùy rất dễ gặp phải tình trạng này.
  • Suy hô hấp: Dưới sự tác động của vi khuẩn, tình trạng viêm phổi có thể gây ra các tác động tiêu cực đến cơ quan khác. Chẳng hạn như giảm huyết áp, nhịp tim hoặc thậm chí là mất nhận thức, tử vong.

Cần cho trẻ nhập viện điều trị viêm phổi khi có các biểu hiện sau:

  • Biểu hiện sốt cao và kéo dài: Sốt cao có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác, tuy nhiên trẻ sốt cao kéo dài trong 2 - 3 ngày liên tục là triệu chứng viêm phổi.
  • Trẻ có biểu hiện co lõm lồng ngực: Đây là triệu chứng của trẻ đã bị viêm phổi nặng. Lúc này khi trẻ hít vào, phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) sẽ bị lõm vào. Trong trường hợp phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là rút lõm lồng ngực.
  • Biểu hiện tím tái: Đó là tình trạng da nhợt nhạt và tím tái ở mặt, chân, tay cho đến toàn thân. Nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, trẻ mắc viêm phổi còn có các triệu chứng khác như: Trẻ khó thở, thở khò khè; Đau ngực, có thể đau ít hoặc nhiều; Môi khô, kèm theo mệt mỏi chán ăn… thì cũng cần cho trẻ nhập viện để được thăm khám và điều trị.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng viêm phổi cần nâng cao sức đề kháng của trẻ thông qua việc cung cấp dinh dưỡng tốt, cho ăn đúng và đủ theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng. Thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ để biết được tình trạng dinh dưỡng của trẻ.

Cải thiện môi trường sống bằng cách nhà ở phải thoáng mát, thường xuyên vệ sinh, không tiếp xúc với người hút thuốc lá.

Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh hô hấp như ho, sốt… Vệ sinh mũi họng, mang khẩu trang để tránh hít phải bụi đường.

Cần tiêm đầy đủ vaccine cho trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là tiêm phòng sởi HIB, phế cầu, cúm…

Vì sao cần tái khám khi điều trị viêm phổi ở trẻ em?Vì sao cần tái khám khi điều trị viêm phổi ở trẻ em?

SKĐS - Viêm phổi là căn bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ và là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ phải nhập viện. Sau khi trẻ được điều trị, các bác sĩ dặn tái khám theo lịch. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ đã không thực hiện lịch hẹn này.

BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn