Bộ Y tế vừa có công điện số 53/CĐ/BYT gửi UBND các tỉnh thành yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi. Công điện nêu rõ, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sởi năm 2014 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 4554 /QĐ-BYT ngày 03/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, đạt các mục tiêu kế hoạch đã đề ra nhằm tiến tới loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam; tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân theo các nội dung tại Công văn số 7540 /BYT-DP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ Y tế.
Giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, triển khai xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.
Bộ Y tế cũng lưu ý các đơn vị chỉ đạo việc thực hiện tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả các trẻ em khi đủ 9 tháng tuổi được tiêm ngay vắc xin sởi, tránh tình trạng bị mắc bệnh sởi do tiêm vắc xin muộn, đồng thời tiếp tục tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi, đạt tỷ lệ trên 95% ở quy mô xã, phường; thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét vắc xin sởi, đặc biệt tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện.
Năm 2014 trên thế giới dịch sởi đã xảy ra tại 178/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện nay vẫn diễn biến phức tạp trong đó có một số nước có chung đường biên giới với nước ta, làm tăng nguy cơ xâm nhập và bùng phát bệnh sởi ở Việt Nam. Mùa đông - xuân tới là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sởi lây lan, bùng phát tại cộng đồng.
Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi; thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bộ cũng yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về các biện pháp phòng chống dịch bệnh đường hô hấp trong đó có bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng sởi, chú ý vào việc tiêm đúng lịch, đủ mũi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Rà soát trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch bệnh tại địa phương, làm rõ những đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt công tác sẵn sàng phòng chống dịch bệnh để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế để có biện pháp xử lý phù hợp.
PV