Hà Nội

Trẻ đuối nước, kiến nghị xử phạt người lớn

21-12-2020 09:24 | Xã hội
google news

SKĐS - Nước ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Theo thống kê, hàng năm có khoảng hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, trẻ dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là lứa tuổi từ 6-14. Trẻ tử vong do đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị, 50% số trẻ tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo.

Nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em

Lý giải về tỷ lệ trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước còn cao, TS.BS. Vũ Thị Kim Hoa Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho rằng, nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Đa số trường hợp đuối nước xảy ra do việc thiếu kiến thức của người lớn và bản thân trẻ.

Thời điểm học sinh đuối nước nhiều nhất không rơi vào mùa mưa lũ mà chủ yếu vào những tháng hè. Hầu hết các trường hợp trẻ đuối nước do tắm ao, hồ, sông, suối và tắm biển, hơn 50% vụ xảy ra khi không có người lớn đi kèm, cho thấy tầm quan trọng của việc người lớn khi trông coi, giám sát trẻ. Bên cạnh đó, việc dạy bơi tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa tốt, nhận thức của người dân, địa phương còn hạn chế, đặc biệt là tại các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa.

Theo bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, giảm đuối nước trẻ em là mục tiêu cần sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, với sự phối hợp của các bộ ban ngành, nhà trường, gia đình và khả năng tự bảo vệ của các em; Thường xuyên định hướng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em.

Rèn luyện kỹ năng bơi phòng tránh đuối nước cho trẻ.

Rèn luyện kỹ năng bơi phòng tránh đuối nước cho trẻ.

Kiến nghị xử phạt người lớn để trẻ bị đuối nước

Ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An kiến nghị, luật hóa, quy định rõ hình phạt khi không quản lý trẻ em, dẫn đến tai nạn đuối nước. Ông Dũng chỉ ra bất cập có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Các văn bản đa số chỉ nói “tăng cường, đẩy mạnh” chứ chưa thấy quy định bắt buộc nào, chưa chỉ rõ không quản lý được trẻ em, dẫn đến tai nạn thương tâm thì xử phạt ai, mức phạt thế nào. Tại nhiều nước, việc để trẻ em ra đường mà không ai quản lý có thể bị phạt, chưa nói việc để xảy ra tai nạn. “Việc sơ suất, không chăm sóc, bảo vệ trẻ em dẫn tới tai nạn không ai mong muốn, nhưng cần được luật hóa để xử phạt hành chính, thậm chí xử phạt hình sự”, ông Dũng kiến nghị.

Đóng góp giải pháp khắc phục tình trạng đuối nước trẻ em tại Việt Nam, ông Lê Hải Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đưa vào “giờ vàng” dạy học sinh, giới thiệu các kỹ năng phòng chống đuối nước cần thiết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế cho tổ chức đội trong nhà trường để hơn 26.000 giáo viên tổng phụ trách phát huy nhiều vai trò hơn như dạy bơi, thiết kế ấn phẩm tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt...

Từ năm 2018, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu triển khai Chương trình Phòng, chống đuối nước trẻ em ở 21 huyện thuộc 8 tỉnh gồm: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đăk Lăk, Đồng Tháp và Sóc Trăng.

Đây đều là địa phương có tỷ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước cao, cơ sở vật chất và nhân lực dạy bơi hạn chế. Trong 2 năm, hơn 13.300 trẻ được học bơi, 17.000 trẻ học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vượt 13% kế hoạch ban đầu. Gần 4.000 phụ huynh có con dưới 6 tuổi và 765 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn