Nhưng với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ thì sốt có thể là một dấu hiệu cần quan tâm đặc biệt. Vì thế, hầu như các gia đình có con nhỏ đều có sẵn thuốc hạ sốt trong nhà. Tuy nhiên, việc cất giữ và cho trẻ uống thuốc sao cho đúng và an toàn, tránh tình trạng quá liều sẽ gây ngộ độc thuốc...
Dùng thuốc hạ sốt quá liều gây nguy hiểm
Hiện nay, thuốc thông dụng nhất để hạ sốt là paracetamol. Hoạt chất này có mặt ở rất nhiều sản phẩm với tên gọi khác nhau và ở các dạng thuốc khác nhau như: viên nén, viên sủi, dạng viên đạn nhét hậu môn, dạng bột pha dung dịch...
Các loại thuốc khác như bạc hà chỉ tạo ra cảm giác lạnh, hydrogel chỉ là dạng tinh thể ngậm nước (như trong miếng dán lạnh) không phải là thuốc hạ sốt.
Có một thực tế là nhiều bậc phụ huynh khi cho trẻ uống thuốc, chưa thấy đỡ hoặc nhiệt độ chỉ hạ chút ít lại tiếp tục lấy thuốc ra cho trẻ uống. Việc uống nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ dẫn tới tình trạng ngộ độc thuốc ở trẻ. Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu các bệnh viện trên cả nước, không hiếm trường hợp trẻ phải nhập viện khẩn cấp vì ngộ độc loại thuốc hạ sốt giảm đau này.
Biểu hiện của ngộ độc thuốc thường xảy ra khi trẻ uống paracetamol quá liều khoảng vài giờ, thường dưới 24 giờ, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn. Nếu tiếp tục cho trẻ dùng liều cao vài lần, các biểu hiện ngộ độc của trẻ đã tăng lên nhiều và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Từ 24-48 giờ, các triệu chứng về gan ở trẻ nặng lên. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị suy thận, suy tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.
Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Dùng sao cho đúng?
Việc dùng thuốc hạ sốt thế nào cho đúng để vừa tránh được những tai biến do thuốc gây ra và đạt được hiệu quả là rất cần thiết. Hiện nay, để hạ sốt có 2 cách dùng thuốc chủ yếu là đường uống và đặt hậu môn. Với việc hạ sốt bằng đường uống, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng thông thường nhất là loại chứa acetaminophen (efferalgan, paracetamol, panadol...). Khi sử dụng các loại thuốc này tại nhà, phụ huynh cần lưu ý:
Thời điểm dùng thuốc: Trước khi dùng thuốc, phụ huynh cần phải đo nhiệt độ cho trẻ. Nếu nhiệt độ dưới 38,5°C, chỉ nên nới rộng quần áo, chườm ấm tích cực cho trẻ bằng khăn ấm, lau trán, nách, bẹn để hạ nhiệt độ cho trẻ. Cặp lại nhiệt độ cho trẻ sau khi chườm. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi trẻ có nhiệt độ sốt cao từ 38,5oC trở lên.
Liều dùng thuốc: Liều dùng tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10-15mg/kg. Mỗi lần uống thuốc cách nhau 4-6 giờ, trong 1 ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần. Uống thuốc quá liều có thể gây ngộ độc.
Kết hợp đúng cách: Để đạt được hiệu quả cao và hạ sốt nhanh cho trẻ, ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ, nên kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống thêm nước sôi để nguội, nước hoa quả, nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều lần hơn hoặc uống thêm oresol theo chỉ dẫn...
Phụ huynh cần cho trẻ nằm trong phòng thoáng khí, tăng cường dinh dưỡng và theo dõi nhiệt độ của trẻ 20-30 phút/1 lần. Tuyệt đối không chườm cho trẻ bằng nước lạnh vì khi chườm lạnh sẽ làm các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng co lại làm cho nhiệt không thoát ra ngoài được và trẻ sẽ càng sốt cao hơn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt với trẻ bị các bệnh gan, tim, thận...
Đối với thuốc hạ sốt đặt hậu môn, trong loại thuốc này có chứa paracetamol, vì vậy, không được cho trẻ dùng đồng thời cả thuốc đặt và thuốc uống cùng chứa paracetamol sẽ dễ bị quá liều gây hạ nhiệt độ quá nhanh lên thân nhiệt của trẻ và ngộ độc thuốc.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt thông thường cho trẻ em cũng phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị mới thật sự an toàn. Khi trẻ có các dấu hiệu: sốt cao trên 40°C, sốt liên tục không giảm trong vòng 24h, trẻ bị co giật, mệt li bì, nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tìm nguyên nhân điều trị.