Trẻ đau bụng, tiêu chảy, quấy khóc... cảnh giác với nhiễm khuẩn đường ruột

08-05-2023 07:13 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là những bé có sức đề kháng và hệ tiêu hoá kém. Khi trẻ ăn uống phải thực phẩm không an toàn, tiếp xúc với các đồ chơi, thú cưng… có chứa vi khuẩn, sẽ là điều kiện khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có biểu hiện như thế nào và cách chăm sóc đúngTrẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có biểu hiện như thế nào và cách chăm sóc đúng

SKĐS - Tiêu chảy là vấn đề thường gặp ở trẻ, tuy nhiên, tiêu chảy do nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố chính gây bệnh tật và tử vong cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh lý đường tiêu hóa rất hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt khi thời tiết nóng nực là thời điểm khiến các bệnh truyền nhiễm tăng mạnh. Vì vậy, cha mẹ cần cảnh giác với căn bệnh này.

Tưởng con tiêu chảy do mọc răng hóa ra mắc nhiễm khuẩn đường ruột

Chị H. mẹ của bé N. V. L, 06 tháng tuổi ở Hà Đông cho biết, con chị bị tiêu chảy phân lỏng 2 hôm, chị đã cho bé uống men tiêu hóa và đổi sữa, nhưng bé L. vẫn không đỡ. Sau đó chị thấy bé L. mỗi lần đi đại tiện thì phân thường lỏng, kèm theo đờm nhớt và một ít máu. Do chủ quan nghĩ bé đi tướt mọc răng, nên chị đã không cho bé đi khám. Đến ngày thứ 4 bé L. bị sốt và quấy khóc nhiều, chị H. lo sợ vội đưa bé đến bệnh viện để khám. Sau khi khám lâm sàng, xét nghiệm và siêu âm, kết quả chẩn đoán bé L. bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, trong đó hay gặp nhất là do các vi khuẩn dạng Campylobacter và vi khuẩn Escherichia Coli (E. Coli), trực khuẩn lỵ Shigella, Salmonella, vi khuẩn tả Vibrio Cholerae…

Các ghi nhận cho thấy tất cả các thực phẩm không an toàn, bị ô nhiễm, đều có thể gây nhiễm khuẩn đường ruột nếu con người ăn phải. Tuy nhiên, thực phẩm có nguy cơ ôi thiu do bảo quản không đúng như: Thịt lợn, bò, gà, trứng, thịt gia cầm nấu chưa chín hoặc còn sống. Chính vì vậy, đây là lý do tại sao vào mùa hè trẻ nhỏ, người già hay bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy, thậm chí có thể tử vong.

Bên cạnh đó, thức ăn của trẻ nhỏ thường là sữa và nước trái cây, nếu chưa được tiệt trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột. Nguồn nước bị ô nhiễm, thịt nguội, trái cây và rau chưa được rửa sạch... cũng dễ dẫn đến nhiễm trùng đường ruột, do vi khuẩn có thể lây lan sang thức ăn mà con người tiếp xúc. Điều quan trọng là thực phẩm ô nhiễm có thể lây nhiễm sang nhiều người nếu như người đó ăn phải những thực phẩm này. Các vi khuẩn sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ sản xuất các độc tố ruột. Các độc tố này làm sự hấp thụ nước và điện giải ở ruột non bị rối loạn, khiến nước sẽ tràn xuống đại tràng, không có khả năng hấp thu trở lại, gây tiêu chảy.

Trẻ đau bụng, tiêu chảy, quấy khóc... cảnh giác với nhiễm khuẩn đường ruột - Ảnh 2.

Nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến ở trẻ nhỏ.

Biểu hiện nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, biểu hiện điển hình thường thấy là trẻ sẽ bị tiêu chảy, đau bụng, quấy khóc… Trẻ chán ăn, ăn không ngon miệng, thậm chí là bỏ ăn, người mệt mỏi… Khi cha mẹ thấy trẻ tiêu chảy kèm theo phân có chất nhầy hoặc máu, trẻ nôn mửa, sốt cao… thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột kéo dài, trẻ sẽ đi ngoài liên tục và sốt cao, điều này khiến cơ thể dễ bị mất nước, nếu không được bù nước kịp thời, có thể khiến trẻ gặp phải những nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường ruột cho trẻ

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách, cụ thể như sau:

- Cần có chế độ ăn uống, vệ sinh và lối sống khoa học, lành mạnh.

- Thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích trẻ chỉ ăn những thực phẩm đã được nấu chín và của gia đình tự chế biến.

- Hạn chế đồ ngọt trong khẩu phần ăn của trẻ, tránh ăn đồ ngọt được làm bằng chất tạo màu, chất phụ gia, chất tăng cường vị giác.

- Hạn chế cho trẻ uống nước trái cây đóng sẵn, vì loại nước ép này có chứa chất làm ngọt nhân tạo và hương vị. Thay vào đó, trẻ nên được cung cấp bằng nước trái cây tươi.

- Đảm bảo vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ sạch sẽ.

- Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị, đặc biệt là thuốc kháng sinh, vì điều này có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Chỉ sử dụng thuốc sau được khám, tư vấn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS. CKI Nguyễn Ngọc Ánh
Ý kiến của bạn