Bệnh viện Nhi Trung ương gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ đến khám bệnh vì nôn và đau bụng. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hoá thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, đau bụng và nôn cấp tính nhiều khi là các dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.
Nguyên nhân nào có thể khiến trẻ nôn, đau bụng?
Chia sẻ về đau bụng và nôn cấp tính ở trẻ em – vấn đề cha mẹ đang lo lắng trong thời gian gần đây, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà cho hay nhiễm khuẩn tiêu hoá là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau bụng và nôn ở trẻ em.
Nguyên nhân thường gặp nhất gây nôn và đau bụng ở trẻ em là viêm dạ dày – ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, COVID-19.
Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh.
Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh gây dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm.
Nôn trớ do viêm dạ dày – ruột nhiễm khuẩn thường bắt đầu đột ngột và hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ.
Các biểu hiện khác như tiêu chảy, phân nhày máu, sốt hoặc đau bụng sẽ xuất hiện đồng thời hoặc sau 12-24 giờ.
Ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó.
Trẻ bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng có thể có nhày máu. Trẻ có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.
Chế độ ăn không phù hợp như ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, hay độc chất hoặc dùng thuốc quá liều cũng là nguyên nhân thường gặp gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ em. Bệnh lý cấp cứu ngoại khoa cần phải nhanh chóng phẫu thuật như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột…
Biểu hiện, triệu chứng trẻ bị đau bụng và nôn cấp tính
Tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh và lứa tuổi mà trẻ có những biểu hiện khác nhau.
Theo PGS Hà, trẻ chưa biết nói thường sẽ biểu hiện bằng triệu chứng quấy khóc liên tục với vẻ mặt nhăn nhó đau đớn. Những trẻ lớn hơn có thể sẽ nói với cha mẹ về tình trạng đau bụng, xác định được vị trí đau và mô tả được tính chất của cơn đau dù không phải lúc nào cũng chính xác. Trẻ thường đau bụng vùng quanh rốn hoặc giữa bụng với cơn đau thoáng qua.
Trẻ cần được đưa đến bệnh viện nếu đau ở vị trí dưới rốn và nghiêng về phía bên phải, đau bụng lan xuống vùng bẹn kèm theo đi tiểu khó, cơn đau kéo dài quá 24 giờ hay mức độ đau trở nên trầm trọng hơn vì trong tình huống này đau bụng có thể do viêm ruột thừa hay những vấn đề nghiêm trọng khác.
Nôn là một trong những triệu chứng đi kèm thường gặp. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc trẻ nôn liên tục, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông.
Tiêu chảy thường xuất hiện đồng thời hoặc sau nôn, đau bụng. Tình trạng tiêu chảy có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế nếu trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày hoặc có biểu hiện mất nước.
Khi trẻ có các biểu hiện nặng, trẻ cần được đi khám tại các cơ sở y tế. Tại đây bác sỹ sẽ cần làm một số xét nghiệm như công thức máu, xét nghiệm phân, siêu âm, chụp Xquang bụng để xác định chính xác nguyên nhân và có hướng xử trí sẽ khác nhau.
Với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch, cha mẹ cũng cần lưu ý các biểu hiện đau bụng và nôn.
Khi trẻ xuất hiện những tình trạng như sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc,… thì cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tế để biết có mắc hậu COVID-19 hay hội chứng viêm đa hệ thống hay không.
Xử trí đau bụng và nôn tại nhà
Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
TS Hà lưu ý đặc biệt cha mẹ không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Đồng thời, không tự ý dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
Cần cho trẻ uống nước đủ để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol), pha đúng theo hướng dẫn. Nếu trẻ đã được uống Oresol theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch Không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy.
Nôn và tiêu chảy là một hoạt động bảo vệ cơ thể để tống các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hoá của vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm làm trẻ đầy, chướng bụng, và kéo dài thời gian bị bệnh.
Các thầy thuốc khuyên cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục. Nếu trẻ không nôn trớ từ 12-24 giờ thì có thể cho bé ăn uống lại bình thường nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước.
Nếu trẻ có biểu hiện sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ hãy sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường như Efferalgan, Hapacol, Tylenol.
Nôn trớ và tiêu chảy có thể làm gia tăng lây nhiễm trong gia đình vì thế cha mẹ nên chú ý phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và người xung quanh bằng cách rửa tay với nước và xà phòng sau khi thay bỉm, quần áo cho trẻ, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ bệnh nghỉ học giúp hạn chế lây lan.