PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - khẳng định: Nếu chúng ta quan niệm "đã tiêm các vaccine như phế cầu, Hib để phòng viêm phổi, giờ không cần tiêm vaccine COVID-19" là quan niệm không đúng.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lý giải quan niệm "đã cho con tiêm vaccine phế cầu hay Hib phòng bệnh viêm phổi rồi thì không cần tiêm vaccine COVID-19 nữa" là sai lầm.
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm phổi. Xét nghiệm Realtime-PCR có thể phát hiện ra 8 loại vi khuẩn và 20 nhóm virus gây viêm phổi. Trong đó, phế cầu là loại khuẩn gây ra biến chứng viêm phổi nhiều nhất ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Ngoài ra, khuẩn phế cầu còn gây ra nhiều loại bệnh khác như viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết…
Ngoài phế cầu, trẻ bị viêm phổi còn có thể do nhiễm khuẩn Hib, khuẩn tụ cầu, màng não cầu, vi khuẩn đường ruột…
Phế cầu khuẩn (có tên tiếng Anh là Streptococcus pneumoniae) là loại vi khuẩn nguy hiểm, mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 trẻ em trên thế giới.
Vi khuẩn này có hàng chục typ, tuy nhiên, vaccine phế cầu hiện nay cũng chỉ chứa được từ 7- 13 typ kháng nguyên phổ biến nhất của phế cầu khuẩn. Các vaccine này chỉ giúp cơ thể tạo kháng thể phòng ngừa các bệnh gây ra bởi những typ phế cầu này.
Ở trẻ nhỏ, các nhóm virus gây bệnh viêm phổi hay gặp như: virus RSV, virus cúm, á cúm hay virus corona trong đó có SARS-CoV-2…
Theo PGS Dũng, vaccine phòng bệnh có tính chất đặc hiệu, ví dụ tiêm vaccine phế cầu thì chỉ phòng được viêm phổi do vi khuẩn phế cầu (ở một số typ), tiêm Hib chỉ phòng được viêm phổi do Hib chứ không thể phòng được viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, càng không thể phòng được viêm phổi do virus cúm, RSV, đặc biệt là SARS-CoV-2.
"Vì thế, nếu muốn phòng tất cả các nguyên nhân gây viêm phổi cho con thì cha mẹ phải tiêm hết vaccine hiện nay chúng ta đang có" - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.