Hà Nội

Trẻ có thể tử vong vì... hạt lạc rang

20-03-2015 14:00 | Đời sống
google news

Theo các chuyên gia y tế, tính mạng con bạn có thể gặp nguy hiểm ngay khi ở trong gia đình với chỉ một hạt na, hạt táo hay chỉ đơn giản là một hạt lạc rang.

Không nên cho trẻ chơi với những đồ vật quá nhỏ (ảnh minh họa).  	Ảnh: Chí Cường

Không nên cho trẻ chơi với những đồ vật quá nhỏ (ảnh minh họa). Ảnh: Chí Cường

Nguy hiểm vừa ăn vừa khóc

Bé T, 3 tuổi (ở Tây Ninh) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM gắp ra 2 mảnh lạc rang nằm sâu trong phế quản. Trước đó, bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, khó thở, nguy kịch. Theo người nhà, trước khi nhập viện khoảng 4 giờ đồng hồ, bé T cùng bố mẹ đến dự tiệc cưới người chú. Thấy đĩa đậu phộng rang, T nằng nặc đòi ăn và được mẹ cho 3 hạt. Bé vừa ngậm trong miệng vừa khóc đòi bế nên bị ho sặc.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé được các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng hội chẩn và tiến hành gắp thành công mảnh đậu phộng, kích thước 0,2 x 0,3cm. Bé bớt khó thở, tuy nhiên 6 tiếng sau cháu bé lại khó thở kèm ho. Kết quả chụp cắt lớp điện toán phổi ghi nhận có dị vật nằm sâu ở phế quản. Các bác sĩ tiếp tục mổ nội soi để lấy thêm một mảnh đậu phộng khác.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Khoa Hồi sức cấp cứu, đây là trường hợp hóc dị vật phức tạp do hai mảnh nằm ở hai nơi khác nhau, nếu không chẩn đoán chính xác, không có máy chụp cắt lớp điện toán hiện đại, bệnh nhân có thể bị ngạt đường thở dẫn đến tử vong.

Trước đó, bé L, 2 tuổi (ở Tiền Giang) nhặt hạt mãng cầu (hạt na) cho vào miệng ngậm. Chỉ sau một cú ho, hạt mãng cầu đã chui luôn vào phế quản khiến bé phải nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Người nhà cho biết, trước đó bé L chơi một mình trước sân nhà, sau đó người này bỗng dưng thấy bé L đột ngột ho sặc sụa tím tái, bất tỉnh. Gia đình vội vàng đưa bé đến Bệnh viện Đa Khoa khu vực Gò Công. Tại phòng cấp cứu, bé trong tình trạng không bắt được mạch, không đo được huyết áp, ngưng thở, ngưng tim, tím tái toàn thân. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, viêm thanh quản cấp trên, nghi ngờ có dị vật đường thở vì vậy đã tiếp tục cho bé thở ôxy, tiêm thuốc kháng viêm, hạ sốt và chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Kết quả chụp X-quang phổi tại đây xác định có hiện tượng ứ khí bên phải. Bệnh nhi được chuyển đến phòng mổ Khoa Tai Mũi Họng. Sau khi tiến hành soi thanh khí phế quản, các bác sĩ gắp ra được một hạt mãng cầu nằm ở góc phế quản bên phải. Bé L sau đó được tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng sinh và kháng viêm để làm lành vết thương.

Đau lòng hơn, bé Nh, 3 tuổi (tạm trú tại quận Ninh Kiều, Cần Thơ) đã thiệt mạng sau khi nuốt trái táo ở nhà bà ngoại. Trước đó, bé cầm hai trái táo chơi, được một lúc thì cha bé phát hiện con bị ho sặc sụa, toàn thân tím do nghi nuốt phải dị vật. Bé Nh được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng bé đã tử vong trên đường đi.

Sơ cứu thế nào?

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, cha mẹ tuyệt đối không được để trẻ vừa ăn vừa khóc; không nên cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ như: Cúc áo, các loại hạt, đồng xu... mà trẻ có thể ngậm và nuốt vì chúng rất dễ trở thành dị vật đường thở gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Đặc biệt khi phát hiện trẻ ngậm phải vật lạ trong miệng, không được dùng tay móc dị vật mà không nhìn thấy vì dễ làm dị vật lọt vào đường thở. Với trẻ hơn 12 tháng tuổi, đặt chúng nằm sấp trên đùi, vỗ 5 cái vào giữa xương vai bằng lòng bàn tay. Với em bé hơn, đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đảm bảo đầu và cổ được đỡ chắc chắn, rồi mới vỗ vào giữa vai bé.

Nếu vẫn không hiệu quả, thì lật ngửa bé lên, đặt đầu bé vào lòng bàn tay, hạ thấp người bé xuống. Dùng 2 ngón tay ấn mạnh vào xương ức. Cứ làm như thế sau 3 giây và nhìn vào mồm bé. Nếu bạn thấy cái gì đó thì nhặt ra, còn không thì tiếp tục ấn.

Với trẻ trên 1 tuổi, đứng sau chúng và đặt nắm tay của bạn ở giữa rốn và lồng ngực. Đặt bàn tay kia nắm lên và kéo mạnh ngược lên. Làm như thế 5 lần. Nếu trẻ vẫn không hết ngạt, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất trong khi tiếp tục sơ cứu.

Cha mẹ tuyệt đối không được để trẻ vừa ăn vừa khóc; không nên cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ như: Cúc áo, các loại hạt, đồng xu... mà trẻ có thể ngậm và nuốt vì chúng rất dễ trở thành dị vật đường thở gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

 

 

 


Ý kiến của bạn