Trẻ chảy máu mũi và cách xử trí

11-08-2017 14:58 | Đời sống
google news

SKĐS - Khi nhìn thấy trẻ bị chảy máu mũi, bố mẹ hoặc người chăm sóc thường lo lắng, nghĩ rằng vấn đề nghiêm trọng, nhưng trong hầu hết các trường hợp, máu sẽ dừng chảy mà không cần sự can thiệp của bác sĩ.

Chỉ khi chảy máu mũi không ngừng, hoặc do chấn thương, lúc đó cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, hoặc ít nhất hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

Vì sao trẻ bị chảy máu mũi?

Một trẻ có thể từng bị chảy máu mũi một hoặc vài lần, hầu hết là không nghiêm trọng. Những nguyên nhân thường gặp bao gồm:

Lạnh và dị ứng: Cả hai yếu tố cảm lạnh và dị ứng có thể gây ra kích ứng và sưng các cuống mũi, và có thể dẫn đến chảy máu mũi.

Sốt: Khi trẻ bị sốt cao và kéo dài hay gây ra chảy máu mũi.

Khí hậu nóng bức: Có thể là nguyên nhân gây chảy máu mũi ở trẻ.

Chấn thương: Ngay cả chấn thương nhẹ, chẳng hạn như lấy ráy mũi hoặc hỉ mũi mạnh cũng có thể làm cho trẻ bị chảy máu mũi.

Độ ẩm thấp: Khi thời tiết hanh khô, độ ẩm trong không khí thấp, mũi của trẻ có thể trở nên khô, làm tăng khả năng chảy máu mũi.

Khói thuốc lá: Việc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc có thể làm cho mũi trẻ chảy máu tự phát.

Các vấn đề giải phẫu: Một cấu trúc giải phẫu bất thường bên trong mũi có thể gây ra chảy máu mũi.

Tăng sinh bất thường: Sự phát triển bất thường các tổ chức mô niêm mạc mũi, chẳng hạn như polyp mũi lành tính, có thể thỉnh thoảng gây ra chảy máu mũi. Mặc dù những sự tăng sinh này thường không phải là ung thư, nhưng chúng vẫn cần được điều trị kịp thời.

Sự bất thường về đông máu: Có nhiều bất thường có thể gây trở ngại cho sự đông máu trong cơ thể và có thể là nguyên nhân gây chảy máu mũi ở trẻ.

Tình trạng sức khỏe: Nếu trẻ mắc bệnh và đang phải dùng thuốc, thuốc đang điều trị có thể ảnh hưởng đến lớp niêm mạc của mũi, làm cho niêm mạc khô, gây chảy máu mũi. Một số bệnh về máu như bệnh hemophilia cũng có thể dẫn đến chảy máu mũi.

Tư thế và cách để cầm chảy máu mũi cho trẻ.

Tư thế và cách để cầm chảy máu mũi cho trẻ.

Làm thế nào để dừng chảy máu mũi ở trẻ em?

Mũi bị chảy máu có thể gây

hoang mang và lo lắng cho trẻ em, vì vậy trước hết chúng ta nên trấn an trẻ để làm ổn định tinh thần. Có thể thử các cách sau để giúp ngăn chặn chảy máu: Giữ trẻ ngồi trên đùi người lớn hoặc ngồi yên trên mặt phẳng và nghiêng đầu về phía trước. Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi của trẻ. Không bóp phần xương sống mũi vì không thể giúp cầm máu, cũng đừng ấn một bên cánh mũi, kể cả nếu chỉ phát hiện chảy máu ở một lỗ mũi; Giữ mũi đóng kín khoảng 10 phút, thở bằng miệng, để máu cầm tự nhiên. Nếu trẻ đã đủ lớn, trẻ có thể thực hiện quá trình này một mình hoặc làm theo hướng dẫn. Đừng thả tay liên tục để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa. Máu cần thời gian để tạo cục máu đông. Thả tay quá sớm hoặc quá thường xuyên có thể khiến máu chảy kéo dài và khó cầm; Đặt một miếng vải ướt và lạnh trên sống mũi cũng giúp máu cầm nhanh hơn; Đảm bảo máu chảy vào miệng cần phải nhổ ra không được nuốt xuống, vì có thể gây nôn và làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu mũi; Cố gắng đảm bảo rằng trẻ không hỉ mũi trong 24 giờ. Tránh chạy nhảy, chơi đùa mà nên cho bé nằm nghỉ, chỉ cho chơi ít nhất 2 giờ đồng hồ sau khi cầm máu, vì có thể gây chảy máu mũi tái phát. Nếu các phương pháp trên không làm ngừng chảy máu mũi thì cần được bác sĩ khám và có phương pháp can thiệp.

Trường hợp nào cần đưa trẻ tới bác sĩ?

Không cầm máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu trong vòng 20 phút; Chảy máu mũi tái đi tái lại nhiều lần; Máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu (hơn 200ml); Chảy máu do chấn thương vào mặt; Trẻ cảm thấy người yếu, chóng mặt; Máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về phía trước. Nếu trẻ bị chảy máu mũi và kèm đau đầu nghiêm trọng.

Ngoài chảy máu mũi, nếu có nhiều cơ quan khác nhau xảy ra chảy máu như chảy máu miệng, nướu răng, nước tiểu và phân có máu... cần đến ngay cơ sở khám tìm nguyên nhân để chữa trị.

Các trường hợp chảy máu mũi cần đến bác sĩ ngay: Chảy máu mũi khi dùng một loại thuốc mới; Đang dùng thuốc chống đông máu; Trẻ có bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới đông máu như bệnh gan, bệnh thận và bệnh hemophilia; Trẻ mới trải qua hóa trị liệu.

Phòng ngừa chảy máu mũi tái phát ở trẻ

Tái phát chảy máu mũi ở trẻ em khá phổ biến và có thể được phòng ngừa bằng các phương pháp sau:

Giữ ẩm mũi: Đảm bảo mũi của trẻ được bôi trơn và ẩm thông qua việc sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào lỗ mũi 2-3 lần mỗi ngày, chà nhẹ vaseline vào mũi, dùng thuốc mỡ lanolin, hoặc máy phun sương để làm ẩm không khí.

Đốt cầm máu: Thực hiện bởi một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, các mạch máu được đốt để ngăn chặn chảy máu tái phát.


BS. Thanh Hoài
Ý kiến của bạn