Trẻ chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ: Khó phát hiện

24-09-2010 08:11 | Đời sống
google news

Trẻ chậm biết đi, biết nói... và tiếp thu chậm khi học thường khiến cha mẹ cho rằng con lười học, ham chơi. Thực tế, trẻ có thể bị mắc chứng chậm phát triển tâm thần dạng nhẹ.

Trẻ chậm biết đi, biết nói... và tiếp thu chậm khi học thường khiến cha mẹ cho rằng con lười học, ham chơi. Thực tế, trẻ có thể bị mắc chứng chậm phát triển tâm thần dạng nhẹ.

Thường bị phát hiện muộn

Nhiều bậc cha mẹ đưa con đến khám tại khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi TW đều có chung những biểu hiện, đó là trẻ chậm biết nói, chậm biết đi, hay lười học... Như chị Nguyên, ở Cầu Giấy (Hà Nội) có cậu con trai 7 tuổi, nhiều lần cô giáo phản ánh cháu tiếp thu bài chậm hơn so với các bạn, chị đã phải mời một gia sư có tiếng về kèm con học. Sau 2 tháng dạy kèm, cô giáo xin nghỉ vì học trò cứ dạy trước quên sau, đã nhờ đến 3 cô gia sư nhưng các cô đều xin nghỉ với cùng một lý do.

 Dạy nói cho trẻ tự kỷ tại Hà Nội.        Ảnh: T.L
Lúc đầu, chị tưởng thằng bé lười học nên chống đối cô nhưng đến lúc trực tiếp dạy thì thấy rằng con không được như những trẻ cùng tuổi khác. Khi còn bé, cháu cũng chậm biết đi, chậm nói nhưng khi ấy chị chỉ nghĩ trẻ con thì đứa chậm, đứa nhanh chứ không biết rằng con có biểu hiện của chậm phát triển tâm thần.

Theo các bác sĩ, rất nhiều trẻ chậm phát triển tâm thần nhẹ không được gia đình, nhà trường phát hiện. Thường những trẻ này bị cho là lười học, khó bảo. Tỉ lệ trẻ này ở nước ta chiếm khoảng 1%, trong đó trên 50% số trẻ bị bệnh ở mức độ nhẹ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khi trưởng thành trẻ vẫn có thể sống tự lập gần như bình thường trong cộng đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển tinh thần như di truyền, các tác động có hại đến mẹ khi mang thai trong 3 tháng đầu (mắc bệnh do vi rút, ký sinh trùng, giang mai...), trẻ bị ngạt sơ sinh, các bệnh mắc phải trong những năm đầu (viêm não...) và thiếu sự kích thích của môi trường xã hội cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Trong đó, vai trò của di truyền và môi trường xã hội là nguyên nhân hàng đầu. Những trẻ thiếu hụt cảm xúc giữa mẹ và con (cha mẹ ít quan tâm, chơi đùa, chăm sóc trẻ) trong 3 năm đầu đời có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn những trẻ được cha mẹ quan tâm, chăm sóc trong giai đoạn này. Tỉ lệ bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái.

Điều trị bằng phương pháp giáo dục

Tùy theo mức độ phát triển trí tuệ, người ta chia chậm phát triển tâm thần ra nhiều loại. Ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn có thể theo học ở các lớp tiểu học, song việc theo học rất khó khăn và kết quả học tập kém. Trẻ chậm phát triển tâm thần mức độ vừa hầu như không theo học được, không tính toán được nhưng ngôn ngữ đủ để giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày và có thể làm được những công việc đơn giản. Ở những trẻ chậm phát triển tâm thần mức độ nặng và rất nặng, trí tuệ rất thấp, ngôn ngữ không có hoặc rất nghèo nàn, không thể giao tiếp được.

Bệnh có thể nhận biết từ rất sớm bằng các triệu chứng như chậm lẫy, ngồi, đứng, đi, chậm phát triển ngôn ngữ cả về hiểu ngôn ngữ cũng như diễn đạt. Ở tuổi đi học, trẻ tiếp thu chậm, trẻ khó theo học các lớp cao (mức nhẹ), không biết đọc, không biết viết (mức độ vừa)...

Những trẻ bệnh ở mức độ nhẹ và vừa có thể cải thiện bằng các phương pháp giáo dục (dạy, huấn luyện), còn lại (mức nặng và rất nặng) khó có thể can thiệp y học. Do đó việc phòng bệnh (tránh để ngạt khi đẻ, đẻ non, trẻ thiếu cân, các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, viêm não, viêm màng não...) có vai trò rất quan trọng.

Việc giáo dục, dạy dỗ trẻ chậm phát triển tâm thần đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và càng sớm càng tốt. Bố mẹ, người thân trong gia đình phải là những giáo viên nhiệt tình, sáng tạo, kiên trì, tạo cho trẻ có môi trường tốt nhất cho sự phát triển trí tuệ và có khả năng tự lập sau này. Nên mua những đồ chơi có tính trí tuệ cho trẻ như các bộ xếp hình, xếp chữ... Ngoài ra, cha mẹ nên cho con đi học đúng tuổi để trẻ có điều kiện tiếp xúc và học tập từ các bạn.

BS. Trần Quốc Ninh


Ý kiến của bạn