Hà Nội

Trẻ chậm phát triển tâm thần: Di truyền hay môi trường

06-11-2008 10:26 | Đời sống
google news

Chậm phát triển tâm thần (CPTTT) là một trạng thái bệnh lý có tính bẩm sinh hoặc mắc phải ngay trong những năm đầu của cuộc đời và trí tuệ phát triển chậm hơn so với mức bình thường. Bệnh lý này hay gặp ở trẻ em.

Những nguyên nhân làm trẻ chậm phát triển tâm thần

 Hình có tính chất minh họa

Chậm phát triển tâm thần (CPTTT) là một trạng thái bệnh lý có tính bẩm sinh hoặc mắc phải ngay trong những năm đầu của cuộc đời và trí tuệ phát triển chậm hơn so với mức bình thường. Bệnh lý này hay gặp ở trẻ em. Dựa theo mức độ phát triển trí tuệ, người ta chia ra nhiều loại. Ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn có thể theo học ở các lớp tiểu học, song việc theo học rất khó khăn và kết quả học tập kém. Trẻ CPTTT mức độ vừa hầu như không theo học được, không tính toán được nhưng ngôn ngữ đủ để giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày và có thể làm được những công việc đơn giản. Ở những trẻ CPTTT mức độ nặng và rất nặng, trí tuệ rất thấp, ngôn ngữ không có hoặc rất nghèo nàn, không thể giao tiếp được, luôn cần người chăm sóc thường xuyên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến CPTTT như di truyền, các tác động có hại đến người mẹ khi mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu như mắc một số bệnh do virus, ký sinh trùng, uống một số loại thuốc gây hại cho thai, sinh non, trẻ bị ngạt, can thiệp sản khoa, các bệnh mắc phải trong những năm đầu và thiếu các kích thích của môi trường xã hội. Trong các nguyên nhân kể trên, vai trò của di truyền hay môi trường xã hội thường luôn được đưa ra tranh luận. Một số tác giả nhấn mạnh vai trò của yếu tố di truyền và phủ nhận hay coi nhẹ nhân tố môi trường. Họ đưa ra các bằng chứng như con của những người CPTTT có tỷ lệ mắc CPTTT cao hơn trong dân số. Kết luận này đã bị phê phán, bởi vì ngay những trẻ là con của những người CPTTT cũng chịu thiệt thòi là phải sống trong môi trường văn hóa không thuận lợi và như vậy trẻ phải chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và môi trường. Nghiên cứu những trẻ là con của những người CPTTT nhưng được nhận làm con nuôi trong những gia đình có trí tuệ khá hoặc bình thường thì tỷ lệ CPTTT thấp hơn hẳn so với những trẻ sống trong gia đình sinh ra chúng. Trong số những trẻ rất nhỏ phải sống trong những điều kiện thiếu sự chăm sóc như bị bỏ mặc, trẻ sống mồ côi thì người ta nhận thấy có nhiều trẻ có mức độ phát triển trí tuệ thấp hơn bình thường. Một số trường hợp người ta tìm được những trẻ hoang dã, vì lý do gì đó phải sống biệt lập trong rừng, hoàn toàn cách ly với môi trường văn hóa xã hội con người. Những trẻ này có trí tuệ rất kém và khó có thể dạy được nếu như trẻ đã tương đối lớn.

Phải có những phương pháp giáo dục phù hợp

Với những nhận xét trên, chúng ta có thể rút ra kết luận là cả di truyền và môi trường đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, trong đó nhân tố môi trường là rất quan trọng. Do vậy để cho trẻ có điều kiện phát triển trí tuệ tốt, bố mẹ nên đầu tư nhiều thời gian để chơi đùa, âu yếm với con vì chính từ những yếu tố này mà trẻ có điều kiện để bắt chước và học tập. Bố mẹ cần mua một số đồ chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ như các bộ xếp hình, xếp chữ, các trò chơi cần sự sáng tạo... Song ở những gia đình không có điều kiện kinh tế, bố mẹ không nhất thiết phải mua các loại đồ chơi này mà có thể sưu tầm các khối gỗ nhỏ, đất sét để nặn, bút giấy để trẻ vẽ... và bày ra các trò chơi phù hợp với trẻ. Bố mẹ nên cho trẻ đến các nhà trẻ, mẫu giáo để trẻ có điều kiện tiếp xúc và học tập từ các bạn, từ cô giáo.

Những trẻ CPTTT mức độ nhẹ và vừa có thể cải thiện tốt bằng các phương pháp giáo dục. Việc giáo dục, dạy dỗ cần phải kiên trì, sáng tạo và càng sớm càng tốt. Có thể phát hiện sớm CPTTT bằng các triệu chứng như chậm lẫy, ngồi, đứng, đi, chậm phát triển ngôn ngữ cả về hiểu ngôn ngữ cũng như diễn đạt để đưa trẻ đến khám sớm tại các cơ sở y tế, các trung tâm sức khỏe tâm thần. Tốt nhất nên đưa trẻ đến các trường đặc biệt dành cho trẻ CPTTT. Ở những nơi chưa có các cơ sở này, bố mẹ, người thân trong gia đình phải là những giáo viên giỏi, nhiệt tình, sáng tạo, kiên trì để dạy cho chính con em mình, tạo cho trẻ có môi trường tốt nhất cho sự phát triển trí tuệ và có khả năng tự lập sau này.
 
 
ThS. ĐINH ĐĂNG HÒE
(Viện Sức khỏe tâm thần)

Ý kiến của bạn