Hà Nội

Trẻ chậm nói đơn thuần có cần can thiệp không?

03-11-2024 17:51 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Trẻ chậm nói đơn thuần được đặc trưng bởi sự khó khăn trong giao tiếp, vốn ngôn từ ít, trẻ lười nói hoặc không có nhu cầu sử dụng lời nói để tương tác. Tình trạng này không quá nghiêm trọng như chậm nói do chậm phát triển, tăng động hay tự kỷ, vậy trẻ chậm nói đơn thuần có cần can thiệp không?

Những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói cha mẹ cần biếtNhững nguyên nhân khiến trẻ chậm nói cha mẹ cần biết

SKĐS - Trẻ chậm nói sẽ phát âm không chuẩn, thậm chí còn nói ngọng, nói líu lưỡi. Điều này khiến cho các bậc cha mẹ lo lắng. Vậy chậm nói ở trẻ có nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân của chậm nói đơn thuần

Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần có thể là biểu hiện của một vấn đề nào đó về cấu tạo miệng, lưỡi hoặc vòm họng của trẻ. Thậm chí còn do thiếu sự tương tác từ môi trường xung quanh. Chúng ta học cách nói để tham gia vào một cuộc trò chuyện. Thật khó để bắt kịp một cuộc nói chuyện nếu không có ai tương tác với bạn. Môi trường đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Sự lạm dụng, bỏ bê, thiếu tương tác, thiếu sự kích thích bằng lời nói có thể khiến trẻ không đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ.

Một vấn đề phổ biến là trẻ bị chứng cứng lưỡi, khi thắng lưỡi – bộ phận nối lưỡi với miệng bị dính, cứng khiến trẻ khó phát âm, thậm chí khó bú mẹ.

Khả năng nói không chỉ liên quan đến bộ phận phát âm, nó còn có quan hệ mật thiết với khả năng nghe của trẻ. Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần có thể là biểu hiện của sự khiếm khuyết về thính giác. Một đứa trẻ không thể nghe rõ hoặc nghe được âm thanh một cách méo mó, có thể gặp khó khăn trong việc hình thành từ.

Một dấu hiệu của việc mất thính giác là trẻ không nhận ra người hoặc vật khi bạn gọi tên nhưng lại biết được khi bạn dùng cử chỉ. Tuy nhiên, các dấu hiệu mất thính giác rất tinh vi. Đôi khi chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ có thể là dấu hiệu duy nhất đáng chú ý.

Trẻ chậm nói đơn thuần có cần can thiệp không?- Ảnh 2.

Trẻ chậm nói đơn thuần được đặc trưng bởi sự khó khăn trong giao tiếp. Ảnh minh hoạ.

Xác định trẻ chậm nói đơn thuần

Thông thường một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ).

Ngay từ khi sinh ra trẻ sơ sinh đã quan tâm đến giọng nói của con người và có thể phát ra những âm thanh đầu tiên của cuộc đời. Âm thanh phát ra lúc đói, lúc đau, lúc vui vẻ là những âm thanh mà người lớn có thể phân biệt được khi chăm sóc trẻ.

Sau 3 tháng những âm thanh này nghe như những nguyên âm đầu tiên e, a… phát ra khi trẻ hóng chuyện.

Đến 6 tháng trẻ bập bẹ ba ba, ma ma… đồng thời với những cử chỉ có ý nghĩa xuất hiện. Trẻ cố gắng giao tiếp như với tay đòi bế, ưỡn người lên về phía mẹ, ngoái đầu nhìn, mếu máo khóc khi nghe mẹ lớn tiếng hoặc mỉm cười khi nghe lời vỗ về yêu thương.

Khoảng 8 - 9 tháng trẻ biết tìm cách thu hút sự chú ý của người khác, tập trung nhìn vào cái trẻ thấy trước mắt và chỉ ngón trỏ về phía một đồ vật, lắc đầu, vẫy tay tạm biệt.

Hầu hết các trẻ nói từ đầu tiên khi được 12 tháng, những từ chỉ con người, đồ vật trong một tình huống nhất định.

Những câu đầu tiên được coi là sự kết hợp 2 từ đơn lại với nhau để chỉ một hành động xuất hiện ở độ tuổi 20 tháng đến 24 tháng. Từ 24 tháng đến 36 tháng, trẻ bắt đầu nói được câu 3 từ. Lúc được 3 tuổi vốn từ vựng của trẻ khoảng 1000 từ. Từ 3 đến 5 tuổi trẻ hiểu hết những gì người khác nói và khả năng đàm thoại của trẻ tiến bộ. Trẻ biết bắt đầu một cuộc trò chuyện, thu hút người khác và thay phiên nghe nói trong cuộc trò chuyện đó.

Tuy nhiên, một số trẻ nhỏ 18 đến 24 tháng biểu hiện chậm nói hoặc có vốn từ vựng hạn chế, mặc dù không có bất kỳ một vấn đề nào hay có bệnh lý khác đáng lo ngại.

Các biểu hiện của chậm nói đơn thuần

Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần ở độ tuổi lớn hơn gồm:

  • Độ tuổi lên 2: Trẻ không sử dụng ít được ít nhất 25 từ.
  • Độ tuổi 2,5: Trẻ không sử dụng được cụm hai từ, hoặc danh – động từ kết hợp.
  • Độ tuổi lên 3: Trẻ không sử dụng được ít nhất 200 từ, không đòi đồ vật bằng cách gọi tên chúng, rất khó để hiểu trẻ nói gì dù bạn rất gần gũi trẻ.
  • Ở bất kì độ tuổi nào: Trẻ không nói lại được những từ đã được dạy.

Khi nào trẻ chậm nói đơn thuần cần can thiệp?

Cha mẹ cần phải nắm được các mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ và kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình phát triển ngôn ngữ của con mình để có sự can thiệp sớm.

Các biểu hiện bất thường về phát triển ngôn ngữ ở trẻ cần phải khám là: Trẻ không phản ứng lại với giọng nói hay âm thanh to khi trẻ từ 6 đến 8 tuần tuổi. Cha mẹ cười đùa với trẻ nhưng trẻ không có phản ứng mặc dù đã 2 tháng tuổi. Thờ ơ với người và mọi vật xung quanh khi 3 tháng tuổi.

Không quay đầu khi nghe thấy các âm thanh phát ra lúc trẻ 4 tháng. Không biết tự cười mặc dù đã 6 tháng tuổi.

Trẻ không bập bẹ, ê a được từ nào lúc 8 tháng. Chưa nói được các từ đơn khi đã 2 tuổi. Không thể nói được những câu đơn giản khi đã 3 tuổi.

Cần làm gì khi trẻ chậm nói đơn thuần?

Cha mẹ cần quan tâm chăm sóc thúc đẩy kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ tùy theo độ tuổi. Trẻ có thể nghe và hiểu từ rất sớm, trước khi trẻ có thể tự nói. Do đó, cha mẹ cần khuyến khích trẻ tập nói.

Thường xuyên nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, khuyến khích trẻ tập trung vào đồ vật nào đó mà muốn nói đến. Nên nói đến những vật có trước mặt, hay những điều đang xảy ra. Không ép trẻ phải nói nhưng nhớ đưa ra lời khen khi trẻ tập nói.

Chú ý lắng nghe, cho trẻ có thời gian để thực hiện những lời trẻ sắp nói, cũng như thường xuyên đưa ra lời động viên như ‘Con nói giỏi lắm’, giúp trẻ mạnh dạn tập nói.

Nên dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu. Tốt nhất là dạy trẻ nói dựa theo những tình huống xảy ra hàng ngày, tạo nhiều tình huống khác nhau khi nói về một từ nào đó.

Cha mẹ cần tập cho con biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt.

Không nên cho trẻ xem ti vi quá nhiều, cần kiểm soát thời gian và chương trình ti vi. Cha mẹ nên cùng xem với trẻ các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

Hỗ trợ trẻ chậm nói - 7 ghi nhớ dành cho cha mẹHỗ trợ trẻ chậm nói - 7 ghi nhớ dành cho cha mẹ

SKĐS - Trẻ chậm nói là tình trạng khá phổ biến hiện nay, điều này khiến cho các bậc cha mẹ có rất nhiều lo lắng. Bởi ngôn ngữ là phương tiện giúp trẻ giao tiếp, biểu đạt nhu cầu, cảm xúc của mình.

BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn