Trẻ chậm lớn vì biếng ăn

01-12-2008 16:09 | Đời sống
google news

Thắc mắc hay được “lặp lại” nhất ở các phòng khám dinh dưỡng trẻ em là vì sao con tôi chậm tăng cân và rất biếng ăn.

Trẻ biếng ăn là nỗi lo lắng của không ít các bậc làm cha mẹ. Biếng ăn là một trong những nguyên nhân làm trẻ chậm lớn.

Tại sao con tôi chậm lớn?

Thắc mắc hay được “lặp lại” nhất ở các phòng khám dinh dưỡng trẻ em là vì sao con tôi chậm tăng cân và rất biếng ăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ mà các bà mẹ cần lưu ý. Đó có thể là do bé vừa trải qua một đợt ốm, viêm phổi; hoặc trong giai đoạn trẻ mọc răng, sưng lợi, khó ăn nên ngán ăn. Cũng có thể trẻ biếng ăn là do lỗi của cha mẹ như lượng thức ăn hằng ngày của trẻ ít hoặc không đều, ăn uống không đúng giờ nên dần dần tạo thói quen ăn ít; Thức ăn chế biến không hợp khẩu vị nên bé bỏ ăn; Trẻ hay ăn quà vặt và uống nước ngọt có ga trước khi ăn.

 Cần tạo cho trẻ không khí vui vẻ trong bữa ăn.

Các bé biếng ăn rất dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng - những chất mà cơ thể cần một lượng sắt nhỏ song có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể. Khi nói đến vi chất dinh dưỡng, tức là bao gồm các vitamin (A, B, C, D, E...) và các vi chất (sắt, kẽm, đồng, selen, mangan...). Các dạng thiếu vi chất dinh dưỡng thường gặp: Thiếu vitamin A gây khô mắt; Thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù; Thiếu sắt gây bệnh thiếu máu; Thiếu iốt gây bệnh bướu cổ và ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ; Thiếu vitamin D và canxi gây bệnh còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người già. Ngoài ra, biếng ăn là nguyên nhân của bệnh suy dinh dưỡng (tùy mức độ nặng, nhẹ).

Khắc phục thế nào?

Trước tiên, các bà mẹ cần tìm ra nguyên nhân nào gây ra tình trạng trẻ biếng ăn. Chẳng hạn, nếu trẻ biếng ăn do mắc các bệnh cấp tính thì phải điều trị bệnh. Khi bị bệnh (sốt, viêm họng, lở miệng hay đau răng...) trẻ có thể biếng ăn, do vậy bạn nên cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt như: sữa, cháo, súp, yaourt,... thậm chí cho ăn kem cũng được.

Bé sẽ ăn ngon bằng vị giác, bằng tai, bằng mắt, khi được bốc, đưa lên miệng lưỡi. Khi có răng thì cần tạo điều kiện cho bé tập nhai. Có nhai mới tiết ra nước bọt, ăn càng ngon thêm.

Dạ dày của trẻ còn nhỏ, mỗi bữa bạn chỉ nên cho trẻ ăn từ 1/2 cho đến 1 bát (khoảng 200ml), chỉ nên cho ăn từng lượng nhỏ, trông đỡ ngán. Thức ăn cần trông “ngon mắt” để bé cảm thấy “muốn nhai”. Sữa mẹ mấy tháng đầu chỉ cho 67kcal/100ml và chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của bé từ 0-6 tháng. Vì vậy, từ 6 tháng trở đi cần cho trẻ ăn dặm thêm bột gồm 4 nhóm: thịt cá, rau, dầu, tinh bột. Dầu bổ sung vào bột sẽ bảo đảm việc cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của bé. Bước đầu nên tập cho bé quen với dạng sệt của thức ăn nghiền nhuyễn. Khi có nhiều răng, bé có thể ăn đặc hơn: 9 tháng bé đã có 2-3 răng, nên bạn có thể xay nhỏ thức ăn như rau, thịt, cá... cho ăn cùng với cơm nấu nát; đến tuổi lên 2, lên 3 đủ 20 răng thì nên cắt “hạt lựu” các thức ăn để bé tập nhai.

Tính đa dạng cũng rất cần để tránh chán ăn: trẻ em dễ chấp nhận ăn riêng từng thức ăn như: trái cây, bánh quy, yaourt, cháo, nhưng chóng chán những hỗn hợp thức ăn.

Khuyến khích tính chủ động trong ăn uống: thay vì “kè kè” theo sau bé để đút, nên bày cho bé trò “tự xúc ăn” xem bàn tay bé có khéo cầm thìa, hàm bé nhai có giống bố, mẹ không? Khi bé làm được điều gì tốt bạn nên nhớ khen, bé sẽ rất thích, trở nên tự tin và tiếp tục thực hiện, thành thói quen.

Muốn bé mau tăng cân nên đáp ứng 3 nhu cầu chính yếu: ăn, ngủ, vận động - bổ sung cho nhau chứ không thay thế nhau.

Bạn cũng cần tạo điều kiện cho bé chơi, vận động ngoài trời ít nhất 30 phút mỗi ngày. Sẽ chẳng có bé nào đến bữa lại không đói, đến giấc lại không ngủ nếu bé được vận động đầy đủ. Ăn được ngủ được chắc chắn cháu sẽ lên cân “đều đều”.

Trong trường hợp những cố gắng trên vẫn không cải thiện được tình hình, bạn nên đến các bác sĩ nhi hoặc dinh dưỡng để được tư vấn thêm về cách nuôi dưỡng hoặc có thể được tư vấn về bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng trong một số loại vitamin tổng hợp nếu cần thiết.

BS. Tuyết Hải


Ý kiến của bạn