Trẻ cận thị có nên đeo kính thường xuyên?

05-12-2024 06:45 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trẻ bị cận thị khi đã được cấp kính phải thường xuyên được đeo kính và có những lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày để tránh tình trạng tăng độ cận.

Hỏi: Con tôi bị cận thị và đã đeo kính. Tôi có nên cho con bỏ đeo kính (chỉ trừ lúc học) hay không? (Phùng Thu T – Ninh Bình).

Theo TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội), tật khúc xạ trong đó có cận thị là một tình trạng phổ biến ở trẻ hiện nay. Tại các lớp học, có khoảng 80-90% trẻ phải đeo kính. Tật khúc xạ hiện nay đang có xu hướng ngày càng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả thế giới. Đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh giải đáp về việc đeo kính cho trẻ bị cận thị.

Vì sao trẻ bị cận thị?

Tại Việt Nam, tỷ lệ tật khúc xạ và cận thị đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân gây tật khúc xạ ở trẻ chủ yếu do sử dụng mắt nhiều. Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, việc sử dụng các thiết bị công nghệ điện tử ngày càng phổ biến ở trẻ em. Các nghiên cứu đã cho thấy, tật khúc xạ trong đó đặc biệt là cận thị có liên quan đến việc sử dụng thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại… Hiện nay trẻ em sử dụng điện thoại, máy tính rất nhiều để học bài, chơi game, giải trí… Việc sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ rất khó kiểm soát. Khi sử dụng các thiết bị điện tử cần phải sử dụng mắt và nhìn gần rất nhiều. Một phần các bức xạ từ thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng lên mắt, một phần các cháu sử dụng máy tính và điện tử sử dụng với tần suất cao, chăm chú… khiến mắt điều tiết nhiều cùng với thời gian sử dụng lâu làm tăng cận ở trẻ.

Sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ trẻ đến khám ở các cơ sở nhãn khoa do tăng cận rất nhiều, số lượng trẻ cần đeo kính và đang đeo kính cần phải tăng số cũng tăng nhiều lên.

Trẻ cận thị có nên đeo kính thường xuyên?- Ảnh 1.

Ngày càng nhiều trẻ em mắc cận thị do lạm dụng thiết bị điện tử.

Hiện nay có nhiều trẻ bị tật khúc xạ không được đeo kính đúng. Nhiều khi cha mẹ không đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được bác sĩ thăm khám và cắt kính đúng. Thay vì đó, cha mẹ đưa trẻ đến các hiệu kính bên ngoài và dùng máy đo khúc xạ tự động để đo kính. Tuy nhiên, khi mắt được đưa vào máy đo khúc xạ, mắt sẽ được điều tiết. Trên thực tế các chỉ số trên máy đo khúc xạ không phản ánh đúng tình trạng khúc xạ của mắt từ đó dẫn đến đeo kính sai.

Khi các cháu đến các cơ sở nhãn khoa để khám thường sẽ được bác sĩ nhỏ thuốc liệt điều tiết – loại bỏ điều tiết của mắt để xem khúc xạ thực tế của mắt như thế nào. Dựa trên kết quả khám, bác sĩ sẽ cấp kính cho trẻ. Do vậy, cha mẹ trước khi cho trẻ đeo kính cần đưa trẻ tới cơ sở nhãn khoa có các bác sĩ thăm khám để trẻ được đeo kính đúng, hướng dẫn chế độ chăm sóc, theo dõi tốt nhất cho trẻ.

Hạn chế cận thị ở trẻ

Hiện nay có nhiều phương pháp giúp hạn chế và phòng tránh tật khúc xạ. Đầu tiên, trẻ cần phải tăng cường hoạt động ngoài trời để hạn chế việc tăng số cận.

Trẻ cận thị có nên đeo kính thường xuyên?- Ảnh 2.

Trẻ bị cận thị cần được đến cơ sở y tế nhãn khoa để được thăm khám và đo kính đúng số.

Theo các nghiên cứu, trẻ em ở vùng nông thôn có tỷ lệ mắc tật khúc xạ đặc biệt là cận thị thấp hơn rất nhiều so với trẻ ở thành thị. Khi trẻ được vui chơi ngoài trời, mắt được thả tầm nhìn và giảm điều tiết từ đó hạn chế được tăng tình trạng cận thị. Hơn nữa khi chơi ngoài trời, trẻ được tăng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tạo ra hoạt chất có tác dụng làm hạn chế tăng cận thị. Trẻ em ở thành thị có ít thời gian vui chơi ngoài trời nên tầm nhìn bị hạn chế và tỷ lệ tật khúc xạ cũng cao hơn. Trẻ em nên được mỗi ngày ít nhất 2 tiếng hoạt động ngoài trời hoặc 10 tiếng/tuần.

Trẻ cần được đeo kính đúng số và thường xuyên. Một khi trẻ được cấp kính thì cần đeo kính thường xuyên. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng chỉ cho con đeo lúc học, ngoài ra không cần đeo kính. Nếu trẻ không đeo kính, mắt sẽ làm việc trong trạng thái nhìn mờ và điều tiết quá mức từ đó dẫn đến tăng độ. Cha mẹ cần cho trẻ đeo kính khi thức, chỉ trừ lúc ngủ và tắm.

Ngoài ra, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng và hợp lý. Không có thức ăn nào đặc hiệu để tránh hoàn toàn tật khúc xạ hay cận thị. Trẻ cần ăn nhiều rau xanh, ăn đủ chất, nhiều hoa quả… sẽ giúp cung cấp đủ vitamin cần thiết cho trẻ và từ đó giúp hạn chế tăng tình trạng cận thị.

Xem thêm video được quan tâm:

Bốn loại thực phẩm càng ăn càng sáng mắt, bạn đã biết? | SKĐS


TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh
Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội
Ý kiến của bạn