Trẻ cần làm gì để tự cứu mình trước nạn bạo lực?

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền

Chuyên gia về Sức khỏe tâm thần

02-01-2022 17:37 | Y học 360

SKĐS - Tình cảnh của cháu V.A bị bạo hành đến chết đã gây rúng động dư luận gần đây. Vậy, khi bị bạo hành trẻ cần làm gì khi bị đánh đập, hành hạ, những người xung quanh có thể làm gì để giúp trẻ trong trường hợp này?

Có lẽ chúng ta hầu như ai cũng dành cho trẻ em những sự chăm sóc, yêu thương và không bao giờ nghĩ đến tình huống trẻ có thể bị hành hạ, đánh đập đến chết như trường hợp của cháu V.A.

Cháu V.A đã bị bạo hành, cháu tuyệt vọng, không biết làm gì, không biết trông chờ vào ai cứu giúp mình, cứ im lặng để cho bạn gái của bố mặc sức đánh, hành hạ đến chết.

Các kiểu bạo lực gia đình

Có rất nhiều kiểu bạo lực gia đình. Khi đứa trẻ sống trong một gia đình mà chúng ta thường xuyên nghe thấy những tiếng la hét, chửi bới, ném đồ đạc, xô đẩy hoặc đánh... thì có nghĩa là đã có bạo lực xảy ra đối với trẻ. Chúng ta có trách nhiệm phải lên tiếng giúp đỡ, tìm đến các cơ quan chức năng để giải quyết tình trạng này.

Bạo lực gia đình không chỉ là đánh đập mà còn có nhiều hình thức bạo lực khác nhau xảy ra đối với trẻ. Nó có thể đến từ bố mẹ, anh chị em hoặc những người khác sống cùng trẻ, trong trường hợp cháu V.A là bạn gái của bố.

Chuyên gia chỉ cách giúp trẻ phòng tránh bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Người dân xót thương bé gái bị bạo hành đến chết.

Bạo lực thể xác : Ai đó làm tổn thương trẻ bằng cách đánh, tát, xô đẩy, cắn, đá…  

Bạo lực bằng lời nói : Ai đó làm tổn thương trẻ bằng cách la hét hoặc nói về những điều tồi tệ, xấu xa với trẻ, gọi trẻ bằng những cái tên thô lỗ hoặc la hét hoặc nói chuyện với trẻ theo cách đáng sợ hoặc đe dọa. Ai đó ném hoặc làm vỡ đồ đạc trong nhà trẻ hoặc làm tổn thương thú cưng của trẻ.

Bạo lực tình dục: Ai đó khiến trẻ sợ hãi hoặc làm tổn thương trẻ bằng cách chạm vào các bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ. Chạm vào trẻ theo cách gợi dục hoặc họ bắt trẻ chạm vào vùng kín của họ hoặc ép trẻ quan hệ tình dục hoặc xem các hành vi tình dục.

Bỏ mặc trẻ: Làm tổn thương trẻ bằng cách không chăm sóc đầy đủ, không cho trẻ ăn đầy đủ, không được mặc quần áo sạch sẽ, không quan tâm chú ý đến trẻ, không dành tình cảm cho trẻ.

Bóc lột sức lao động của trẻ: Bắt trẻ làm quá nhiều việc nhà, không phù hợp với tuổi của trẻ, bắt học quá nhiều…

Một trẻ có thể gặp nhiều hình thức bạo lực khác nhau.

Hậu quả của bạo lực gia đình là những vấn đề về thể xác và tinh thần.

Bạo lực về thể xác dẫn đến những tổn thương trên cơ thể, những tổn thương này chúng ta có thể nhìn thấy được và là nguyên nhân dẫn đến cái chết như trường hợp của bé V.A.

Nhưng hậu quả về tinh thần thì không dễ nhận thấy, khi có những ảnh hưởng về tinh thần thì khả năng chống đỡ với bạo lực gia đình thường kém hơn, càng làm tăng nguy cơ bị bạo lực. 

Chuyên gia chỉ cách giúp trẻ phòng tránh bạo lực gia đình - Ảnh 3.

Bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết ngay trong ngôi nhà của mình.

Trẻ cần làm gì để bảo vệ chính mình trước nạn bạo lực?

Người lớn, gia đình, bố mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng bạo lực với trẻ là hành động sai trái và là một tội ác. Những người có hành vi bạo lực với trẻ thường đổ lỗi cho trẻ phải chịu trách nhiệm, xấu hổ hoặc có tội với những gì xảy ra. 

Giáo dục trẻ không bao giờ được tin vào lời họ nếu họ đe dọa rằng sẽ có điều tồi tệ hơn xảy ra nếu trẻ nói với một ai đó rằng mình bị bạo lực. Luôn cho tre tin tưởng rằng sẽ có người lắng nghe và tìm cách giúp đỡ mình do đó khi bị bạo lực trẻ nên chia sẻ. 

Việc giữ kín bị bạo lực là một cách nguy hiểm, không an toàn. Trẻ cần nói việc mình bị bạo lực với ai đó mà mình tin tưởng, điều đó sẽ tốt hơn, làm cho trẻ an toàn hơn như hàng xóm, cô giáo, bạn bè hoặc những thành viên khác trong gia đình.

Trẻ cần dành thời gian để giải thích mình đã bị bạo lực như thế nào để mọi người hiểu tình trạng nguy hiểm của mình, hiểu được hoàn cảnh của trẻ để có thể giúp đỡ được.

Sử đụng điện thoại, viết thư, gửi tin nhắn hoặc vẽ bức tranh thể hiện tình trạng nguy hiểm của mình, gửi email… Có rất nhiều trường hợp khó khăn khi nói trực tiếp, nhất là với trẻ trong tình trạng bị khống chế, đe dọa thì đây là một cách hiệu quả để nói với người khác về tình trạng nguy hiểm của mình.

Chuyên gia chỉ cách giúp trẻ phòng tránh bạo lực gia đình - Ảnh 4.

Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng thoát khỏi bạo hành.

Trong trường hợp người bạo lực với trẻ là người trong gia đình thì người để chia sẻ về tình trạng bị bạo lực của mình tốt nhất là những người ngoài gia đình.

Không ngừng chia sẻ với mọi người: Có thể khi mới kể với người này, trẻ chưa được người ta chú ý, giúp đỡ trẻ cũng đừng nản chí. Hãy tiếp tục chia sẻ, đến một lúc nào đó trẻ sẽ gặp được người giúp đỡ mình. Trẻ cần nói với thật nhiều người khác nhau về tình trạng bị bạo lực của mình.

Mọi người có thể làm gì khi biết một trẻ đang bị bạo lực?

Nếu gặp một trẻ đang bị bạo lực hoặc nghi ngờ đang bị bạo lực chúng ta cần làm những việc sau:

- Lắng nghe và tin tưởng trẻ, đưa ra những giải pháp để hỗ trợ và thể hiện mình đang lắng nghe trẻ. Như vậy trẻ sẽ yên tâm và nói với chúng ta nhiều hơn.

- Không thể hiện là mình đang bị shock khi nghe hoàn cảnh của trẻ, khuyến khích trẻ nên chia sẻ với nhiều người hơn nữa để cùng hợp tác tìm ra giải pháp cho trẻ, kể cả báo công an.

- Chính bạn có thể chia sẻ câu chuyện của trẻ cho nhiều người khác để cùng tìm ra giải pháp.

- Kiên trì giúp đỡ cho đến khi chắc chắn rằng trẻ đã được an toàn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi

TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn