Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp được phát hiện rất muộn, có lẽ do lầm lẫn với biểu hiện của hẹp bao quy đầu và do thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Vùi dương vật nên được điều trị sớm để tránh các ảnh hưởng khi trẻ lớn hơn.
Bị vùi dương vật, vì sao?
Bình thường, lỗ đái đổ ra đúng ở đỉnh quy đầu, trục dương vật thẳng nhưng dương vật bị lún tụt xuống dưới hoặc ngang mức của xương mu, ống da dương vật thường nhỏ và ngắn, bao quy đầu thường bị chít hẹp, bìu bình thường. Khi đi tiểu, bệnh nhân (thường là trẻ em) thường phải dùng ngón tay ấn quanh gốc dương vật để nó thò ra. Khi được đưa tới khám bệnh, hầu hết các trẻ này được chẩn đoán là chít hẹp bao quy đầu nên được chữa bằng cách nong bao quy đầu, thường không kết quả. Có bệnh nhân được mổ cắt bao quy đầu và cách chữa này lại làm bệnh nặng thêm.
Nguyên nhân chính của bệnh là do dải cân Dartos dày xơ hóa bất thường chạy từ cân Scarpa của thành bụng tới quy đầu của dương vật. Dải băng xơ này kéo thân dương vật về phía sau và da dương vật lại không được cố định tốt với cân dương vật. Do vậy, thân dương vật bị tụt ra phía sau còn ống da bọc dương vật nhô ra ngoài quy đầu tạo ra hình ảnh như “thừa da”. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là do lớp mỡ dày một cách bất thường ở da trên mu và quanh dương vật nên che lấp một phần dương vật gây ra ngắn dương vật một cách tương đối.
Bệnh dễ nhầm lẫn
Thông thường, vùi dương vật bao giờ cũng đi kèm với hẹp bao quy đầu, hẹp và ngắn ống da dương vật, trong khi bìu vẫn bình thường. Đó cũng là một lý do khiến dị tật này dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý chít hẹp bao quy đầu bình thường, dẫn đến sai lầm trong điều trị. Bệnh nhi vùi dương vật nếu chỉ điều trị bằng cách nong bao quy đầu thường không có kết quả, cho dù đã nong tới vài lần. Có bệnh nhân lại được mổ cắt bao quy đầu và cách chữa này lại làm nặng thêm vì bao quy đầu là phần cần thiết để che phủ thân dương vật. Vì vậy, bố mẹ cần quan sát kỹ hơn vùng kín của bé để có sự phân biệt và phát hiện sớm.
Cần phải phân biệt các trường hợp: dương vật nhỏ; dương vật vùi và hẹp bao quy đầu vì ở mỗi trường hợp có hướng xử trí, điều trị khác nhau. Nếu là hẹp da quy đầu, thường da quy đầu dài, hẹp, kéo xuống rất khó khăn hoặc không được. Còn dương vật nhỏ là vấn đề rất phức tạp. Thông thường, nếu trẻ nhỏ, đo độ dài từ xương mu đến đầu dương vật mà dưới 2cm thì gọi là nhỏ. Còn ở người lớn, độ dài này dưới 4 - 6cm cũng xem là nhỏ. Vấn đề dương vật nhỏ có liên quan đến vấn đề bệnh lý nội tiết; do di truyền, hormon testosterone tác động lên. Thường dương vật nhỏ có thể do 3 lý do: Não không tiết ra chất nội tiết tố LH để kích thích tinh hoàn tiết ra testosterone; não có tiết ra chất LH bình thường nhưng tinh hoàn bị suy không tiết ra testosterone; não tiết ra LH bình thường, tinh hoàn tiết ra testosterone bình thường nhưng dương vật không chịu sự tác động của testosterone (hội chứng kháng androgen). Sau khi phân biệt, loại bỏ được 2 loại dương vật nhỏ và hẹp da quy đầu thì đi đến chẩn đoán dương vật vùi. Dương vật vùi chia làm 3 nhóm nhỏ: dương vật lưới là trường hợp da bìu tràn lên dương vật; dương vật bị “nhốt” là trường hợp bao quy đầu có vòng xơ dài gây bít hẹp nhốt dương vật vào trong (có thể do bẩm sinh; có thể do mắc phải vì cắt da quy đầu lúc nhỏ không đúng); thứ 3 là dương vật vùi thật sự là trường hợp dương vật thụt hẳn vào bên trong.
Chữa trị thế nào?
Sau khi phát hiện bệnh trẻ bị vùi dương vật thì nên có kế hoạch chữa sớm. Tùy theo nguyên nhân mà có các cách chữa như sau:
Với trẻ béo, có lớp mỡ dày ở mu: Thực hiện chế độ ăn đúng, tập luyện thể thao nếu ở trẻ lớn, hướng dẫn trẻ tự nong lộn dần bao quy đầu. Có thể mổ để cắt bớt lớp mỡ trên mu, quanh dương vật ở tuổi dậy thì.
Với nguyên nhân do dải xơ kéo tụt thân dương vật: Hướng dẫn nong lộn dần làm rộng bao quy đầu. Mổ để giải phóng, làm dài dương vật lúc trẻ từ 1-2 tuổi. Nếu có kèm theo bệnh tinh hoàn chưa xuống bìu thì mổ chữa luôn cùng lúc. Nếu dương vật nhỏ bé khác thường thì điều trị thuốc kích thích làm to dương vật trước mổ.
Bệnh này chữa được và nên mổ khi bệnh nhân còn nhỏ, ở tuổi trước khi đi học.