Nguyễn Thị Hiền (Bắc Giang)
Viễn thị ở trẻ là do bẩm sinh có cầu mắt ngắn. Yếu tố di truyền có vai trò khá quan trọng vì trẻ sẽ dễ bị viễn thị hơn nếu cha mẹ cũng bị viễn thị. Viễn thị nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống, không có khả năng thực hiện các hoạt động như mong muốn, tầm nhìn hạn chế. Ở trẻ em, viễn thị không điều trị có thể gây ra các vấn đề trong học tập khiến trẻ nheo mắt hoặc căng mắt để duy trì sự tập trung dẫn đến mỏi mắt và nhức đầu. Viễn thị có thể được chữa trị bằng cách đeo kính để làm thay đổi điểm hội tụ của tia sáng khi đi vào mắt. Việc đeo kính phải đi kèm với chế độ luyện tập mắt tích cực để làm giảm độ viễn thị. Trẻ cần được khuyến khích các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ tranh, tô màu, đọc truyện..., mục đích là làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh dẫn đến giảm độ viễn thị (cận thị hóa viễn thị). Với những trẻ bị nhược thị thì cần chế độ luyện tập tích cực hơn như bịt mắt lành và tập nhìn với mắt nhược thị hoặc tập trên các hệ thống máy kích thích hoàng điểm, máy tập thị giác 2 mắt... Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được điều trị chứng lác mắt (nếu có) và cần được theo dõi ít nhất 6 tháng/lần để điều chỉnh kính cho phù hợp với sự tiến triển của viễn thị.