Trẻ bị viêm tuyến nước bọt khi nào cần nhập viện?

28-09-2022 15:42 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Viêm tuyến nước bọt là tình trạng nhiễm khuẩn của tuyến nước bọt, tuy không phải là bệnh hay gặp, nhưng khi trẻ mắc rất dễ bị biến chứng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, trẻ bị viêm tuyến nước bọt cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Viêm tuyến nước bọt mang tai có nguy hiểm không?Viêm tuyến nước bọt mang tai có nguy hiểm không?

SKĐS-Viêm tuyến nước bọt mang tai là bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi. Nếu viêm tuyến nước bọt không được điều trị, mủ có thể tích tụ lại và hình thành các ổ áp-xe ở tuyến nước bọt.

1. Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt ở trẻ

Tuyến nước bọt trong cơ thể bao gồm tuyến mang tai, dưới lưỡi và dưới hàm. Trong đó trẻ hay mắc nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai.

Nguyên nhân tình trạng viêm tuyến nước bọt có nhiều, nhưng chủ yếu người ta thấy các nguyên nhân sau:

Viêm tuyến nước bọt ở trẻ do virus

Bao gồm các virus gây quai bị, CMV, HIV, cúm A, Adenovirus… Viêm tuyến nước bọt ở trẻ do vi khuẩn: Bao gồm tụ cầu, Phế cầu, Liên cầu, E. Coli, lao. Viêm tuyến nước bọt ở trẻ do các bệnh tự miễn: Do cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại các cơ quan khác, trong đó có tuyến nước bọt.

Viêm tuyến nước bọt ở trẻ do tắc nghẽn

Tắc nghẽn ống dẫn tuyến nước bọt thường là nguyên nhân hàng đầu gây viêm nhiễm vi khuẩn sau này. Có thể tắc do sỏi, đờm hoặc hiếm hơn là do các khối u.

Người ta chia nhiều giai đoạn viêm tuyến nước bọt ở trẻ, cụ thể:

  • Viêm tuyến nước bọt cấp tính: Bệnh thường kéo dài trong 1 - 2 tuần
  • Viêm tuyến nước bọt mãn tính: Bệnh viêm kéo dài từ vài tuần đến vài tháng
  • Viêm tuyến nước bọt tái phát: Tái đi tái lại nhiều lần.
Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm tuyến nước bọt? - Ảnh 2.

Viêm tuyến nước bọt là tình trạng nhiễm khuẩn của tuyến nước bọt. Ảnh minh hoạ

2. Triệu chứng nhận biết viêm tuyến nước bọt ở trẻ

Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng do viêm tuyến nước bọt ở trẻ em.

Khi trẻ mắc viêm tuyến nước bọt sẽ có các biểu hiện sau:

  • Trẻ sốt, có biểu hiện giống cảm cúm.
  • Trẻ giảm vị giác, ăn không thấy ngon, khó há miệng, đau góc hàm, khô miệng, khó nuốt.
  • Trẻ bị sưng đỏ, đau góc dưới hàm 1 bên hoặc cả 2 bên nếu căn nguyên là do vi khuẩn, nếu là virus như quai bị thì chỉ sưng đau 1 bên sau tai, sau đó có thể lan sang 2 bên.

3. Phân biệt bệnh viêm tuyến nước bọt và quai bị

Quai bị và viêm tuyến nước bọt đơn thuần là 2 bệnh có triệu chứng biểu hiện ở tuyến nước bọt, hay gặp nhất là ở tuyến nước bọt mang tai.

Bệnh quai bị do virus quai bị thuộc nhóm Paramyxo virus gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, qua các bụi nước của hơi thở, truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Nên bệnh có khi bùng lên thành dịch ở những nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học).

Khi mắc quai bị trẻ sẽ sốt 38 - 39 độ C, đau đầu, chán ăn, khó nuốt, khó nói, đau nhức các khớp xương, thăm khám thấy miệng ống Stenon phù nề, tấy đỏ nhưng không bao giờ có mủ chảy ra.

Vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai, mỏm chũm, lan xuống dưới hàm. Da vùng sưng có màu sắc bình thường, không nóng đỏ và có tính đàn hồi. Thường sưng cả 2 bên tuyến nước bọt mang tai, có khi chỉ sưng 1 bên, sưng 2 bên so với sưng 1 bên là tỷ lệ 6/1.

Song song với các tổn thương ở tuyến nước bọt, virus quai bị còn làm tổn thương ở ngoài tuyến nước bọt, gây viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác như tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, buồng trứng.

Còn viêm tuyến nước bọt mang tai đơn thuần do các loại vi khuẩn Staphylococcus Aureus, do virus Iryfluenza, Parainfluenza, Coxsackie... gây nên hoặc do sỏi làm tắc ống dẫn tuyến nước bọt cũng gây viêm. Bệnh thường chỉ tổn thương tại tuyến nước bọt, diễn biến lành tính, tự khỏi hoặc cũng có trường hợp chuyển sang viêm mạn tính phì đại tuyến.

Khi mắc viêm tuyến nước bọt mang tai, bệnh nhân thấy vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, sưng lan rộng ra xung quanh tuyến, da vùng tuyến sưng tấy đỏ đau, nói và nuốt đau, có hạch viêm phản ứng ở góc hàm hoặc sau tai cùng bên. Sốt 38 – 39 độ C, ấn vùng tuyến mang tai thấy có mủ chảy ra ở miệng ống Stenon.

Đối với bệnh nhân bị bệnh viêm tuyến nước bọt đơn thuần, thường không thấy có tổn thương ngoài tuyến nước bọt. Bệnh có tính chất đơn lẻ, cơ hội, thường xuất hiện khi có viêm nhiễm khác ở vùng miệng và mũi họng, không lây thành dịch.

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm tuyến nước bọt? - Ảnh 4.

Việc điều trị cho trẻ bị viêm tuyến nước bọt tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh và phải do bác sĩ quyết định.

4. Cách chăm sóc trẻ bị viêm tuyến nước bọt

Việc lựa chọn thuốc điều trị cho trẻ bị viêm tuyến nước bọt còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh và phải do bác sĩ quyết định.

Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp trẻ bị viêm tuyến nước bọt do virus. Hơn nữa, việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc. Vì vậy, cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị cho con tại nhà và phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Một số cách chăm sóc tại nhà mà cha mẹ có thể áp dụng khi trẻ bị viêm tuyến nước bọt bao gồm:

- Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C hoặc đau nhiều, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

- Ngoài ra, cần chườm ấm tích cực (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được).

- Cần vệ sinh mũi miệng, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc, dọn vệ sinh và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

- Về chế độ dinh dưỡng cần chú ý. Cha mẹ cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ tiêu, dễ nuốt. Nếu bị quai bị, cho trẻ nghỉ tại nhà 5 - 7 ngày, tránh vận động mạnh.

- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn đã chuẩn bị.

5. Khi nào cha mẹ cần cho trẻ đến bệnh viện?

Không phải tất cả các trường hợp trẻ bị viêm tuyến nước bọt đều cần điều trị tại bệnh viện. Trẻ có thể điều trị tại nhà nếu viêm ở mức độ nhẹ.

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám khi trẻ có một trong các dấu hiệu: Sốt cao, khó thở hoặc khó nuốt, trẻ quấy khóc nhiều, bỏ bú, nôn mọi thứ ăn vào, co giật, li bì, khó đánh thức.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


ThS. BS. Anh Tuấn
Ý kiến của bạn