Hà Nội

Trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần làm gì?

29-06-2023 11:00 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Viêm tai giữa cấp ở trẻ là bệnh thường gặp. Tuy nhiên nhiều cha mẹ đang áp dụng những phương pháp dân gian để điều trị viêm tai giữa cho trẻ. Những phương pháp này không những không hiệu quả mà còn có thể gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh.

Vì sao trẻ em dễ mắc viêm tai giữa hơn người lớn

Trẻ nhỏ thường bị viêm tai giữa nhiều hơn người lớn. Lý do bởi vòi nhĩ nối từ tai giữa xuống vùng mũi họng của trẻ em ngắn, hẹp, nhỏ hơn và nằm ngang hơn so với người lớn. Điều này dẫn tới rối loạn thông khí từ mũi họng đến tai giữa giảm, gây viêm tai giữa cấp. Do vậy mỗi đợt viêm mũi họng cấp ở người lớn cũng có nguy cơ bị viêm tai giữa cấp. Tuy nhiên tần suất gặp sẽ ít hơn so với ở trẻ em.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm tai giữa cấp ở trẻ

Ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa cấp xảy ra do các yếu tố nguy cơ gây viêm tai giữa cấp bao gồm:

- Viêm VA

- Viêm mũi xoang

- Viêm mũi dị ứng

- Trào ngược dạ dày thực quản

Chẩn đoán sớm viêm tai giữa cấp

Cha mẹ cần chú ý những biểu hiện của trẻ trên nền đang mắc viêm mũi họng để có thể phát hiện sớm viêm tai giữa như:

- Trẻ quấy khóc nhiều

- Nghiêng đầu về một bên

- Đưa tay lên dụi tai.

TS.BS Nguyễn Hoàng Huy cảnh báo thói quen chăm sóc trẻ viêm tai giữa không đúng cách của cha mẹ.

Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị đau tai. Lúc này trẻ thường đã ở giai đoạn ứ mủ. Khi soi màng nhĩ có thể thấy màng nhĩ đỏ, phồng, ứ đọng mủ ở bên trong.

Phòng viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Để phòng ngừa viêm tai giữa cấp ở trẻ em. Cha mẹ cần lưu ý những yếu tố thuận lợi có thể gây viêm tai giữa hoặc tái phát viêm tai giữa ở trẻ như:

- Viêm VA tái phát nhiều lần

- Viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng

- Trào ngược dạ dày

- Trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá

- Trẻ đi nhà trẻ

- Trẻ bú bình.

Từ đó cha mẹ có thể phòng các bệnh viêm mũi họng nói chung và viêm tai giữa ở trẻ nói riêng. Ngoài ra cha mẹ có thể hạn chế nguy cơ mắc viêm tai giữa ở trẻ bằng cách tiêm phòng đầy đủ các mũi phế cầu.

Trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần làm gì  - Ảnh 1.

Viêm tai giữa ở trẻ có thể phát hiện sớm qua các biểu hiện quấy khóc, nghiêng đầu về một bên, đưa tay lên dụi tai... trên nền bệnh viêm mũi họng.

Điều trị viêm tai giữa cấp ở trẻ

Việc điều trị viêm tai giữa ở trẻ bao gồm điều trị nội khoa, ngoại khoa. Trong đó chủ yếu là điều trị nội khoa, điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, chống viêm, loãng đờm... Hoặc sử dụng kháng sinh theo phác đồ điều trị. Trong trường hợp điều trị kháng sinh không đỡ có thể sử dụng phương pháp trích màng nhĩ để cấy vi khuẩn điều trị theo kháng sinh đồ.

Trường hợp bệnh viêm tai giữa ở trẻ tái đi tái lại nhiều lần. Có thể áp dụng phương pháp đặt ống thông khí để dẫn lưu dịch ra ngoài và đưa thuốc từ ngoài vào tai giữa.

Hiện nay, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đã xây dựng phác đồ sử dụng kháng sinh trong điều viêm tai giữa cấp ở trẻ em. Phác đồ được căn cứ xây dựng vào phác đồ điều trị của các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Đối với trường hợp trẻ trên 2 tuổi, mắc viêm tai giữa cấp một bên, mức độ nhẹ, không có suy giảm miễn dịch có thể lựa chọn chưa sử dụng kháng sinh và theo dõi, đánh giá trong vòng 48-72h. Bên cạnh đó có nhóm trẻ dưới 2 tuổi, viêm tai giữa 2 bên hoặc ở mức độ nặng hay có suy giảm miễn dịch sẽ được chỉ định dùng kháng sinh ngay từ đầu.

Cảnh báo việc điều trị sai cách viêm tai giữa ở trẻ

Trong quá trình thăm khám, có nhiều bậc phụ huynh khi thấy trẻ bị viêm tai giữa thường dùng các phương pháp dân gian để điều trị như thổi bồ hóng, bột đá… vào trong tai. Điều này gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Bởi khi chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị viêm tai giữa cần thăm khám màng nhĩ bằng nội soi. Việc cha mẹ thổi các dị vật vào trong tai khiến màng nhĩ bị che lấp, khó quan sát. Bên cạnh đó những dị vật này thường khó để lấy ra, gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị.

Trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần làm gì  - Ảnh 2.

Cha mẹ cần lưu ý không dùng các biện pháp dân gian để chữa viêm tai giữa ở trẻ.

Cha mẹ cần lưu ý, ở giai đoạn viêm tai giữa màng nhĩ chưa thủng, mọi thứ đưa vào tai ngoài không thể tác động đến tai giữa. Vì vậy việc áp dụng các biện pháp dân gian để điều trị trong viêm tai giữa ở trẻ là không hiệu quả và gây khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị sau này. Khi trẻ có những dấu hiệu sốt, quấy khóc trên nền bệnh mũi họng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Với viêm tai giữa ở trẻ giai đoạn 3 là giai đoạn chảy mủ chảy ra ống tai ngoài qua lỗ thủng màng nhĩ cần thăm khám bác sĩ tai mũi họng để làm thuốc tai, nhỏ thuốc kháng sinh qua lỗ thủng vào tai giữa. Đặc biệt lưu ý không tự mua thuốc nhỏ tai vì có một số thuốc có độc tính cho tai trong có thể gây mất thính lực không phục hồi và chóng mặt.

Hạn chế nguy cơ đi bơi bị viêm tai giữa ở trẻ

Vào ngày hè, trẻ thường bơi lội nhiều hơn. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc bơi lội là nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ. Tuy nhiên, việc trẻ đi bơi thường gây viêm tai ngoài, do khi bơi nước từ ống tai ngoài không thể vào tai giữa khi màng nhĩ không thủng. Vẫn có những trường hợp trẻ mắc viêm tai giữa khi đi bơi, nguyên nhân xuất phát từ việc trẻ nhiễm lạnh do bơi quá lâu, hoặc nhiệt độ nước quá lạnh. Lúc này trẻ thường bị viêm mũi họng cấp và làm tăng tỷ lệ viêm tai giữa cấp do viêm mũi họng. Vì vậy, cha mẹ khi cho trẻ đi bơi cần lưu ý nhiệt độ nước và thời gian bơi để tránh trường hợp trẻ bị nhiễm lạnh dẫn tới viêm mũi họng.

Xem thêm video được quan tâm:

Những thực phẩm nên tránh trước kỳ thi quan trọng


TS.BS Nguyễn Hoàng Huy
Trưởng khoa Tai - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương
Ý kiến của bạn