Trẻ bị viêm phế quản có cần dùng thuốc giảm ho và kháng sinh không?

28-07-2023 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm phế quản là một bệnh lý hô hấp thường gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vậy khi mắc viêm phế quản, có nên cho trẻ dùng thuốc giảm ho và thuốc kháng sinh không?

‏1. Nguyên tắc chung trong điều trị viêm phế quản ở trẻ em

Thông thường tình trạng viêm phế quản có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần, gây ra các triệu chứng như sốt, ho nhiều, khó thở, thở khò khè… Việc điều trị viêm phế quản thường tập trung vào việc giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình phục hồi. ‏

‏- Đảm bảo nghỉ ngơi và sự thoải mái: Trẻ cần được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và ở trong một môi trường thoáng khí. Đảm bảo trẻ uống đủ nước để giữ cho cơ thể không bị mất nước.‏

‏- Sử dụng thuốc giảm triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ: Một số loại thuốc có thể được sử dụng để hạ sốt, giảm ho và giúp thông thoáng đường hô hấp của trẻ, như thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc giãn phế quản...‏

‏- Hỗ trợ hô hấp: Trong trường hợp viêm phế quản nặng, trẻ có thể cần được hỗ trợ hô hấp bằng cách sử dụng máy hít dung dịch muối sinh lý hoặc máy xông hơi.‏

‏- Tránh các tác nhân gây kích thích: Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, hóa chất có mùi khó chịu và chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi nhà, và các chất gây kích thích khác.‏

‏- Chăm sóc môi trường: Đảm bảo rằng môi trường sống của trẻ sạch sẽ và không khí trong lành. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, giữ đồ đạc sạch sẽ và thông thoáng.‏

‏- Hỗ trợ dinh dưỡng: Đảm bảo rằng trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh và đủ dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi.

BSCKII Lý Châu, Trưởng khoa Nội V, Bệnh viện Phổi Hà Nội lưu ý một số điều trong điều trị viêm phế quản ở trẻ em.

‏2. Có nên dùng thuốc giảm ho và thuốc kháng sinh cho trẻ mắc viêm phế quản không?‏

‏Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, trẻ bị viêm phế quản không dùng thuốc giảm ho và kháng sinh thì bệnh không thể khỏi và có thể tiến triển thành viêm phổi. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm phế quản do virus gây ra và có thể tự khỏi sau 7 đến 14 ngày. ‏

‏Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh do virus gây ra. Do đó, không nên tự ý sử dụng kháng sinh tại nhà cho trẻ. Lạm dụng kháng sinh có thể gây khó khăn trong điều trị về sau, khi vi khuẩn đã kháng thuốc.‏

‏Ngoài ra, thuốc giảm ho (codien, dextromethorphan) được sử dụng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi để giảm bớt cơn ho khan. Còn đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc giảm ho khi không có đơn của bác sĩ. ‏

‏Việc sử dụng thuốc giảm ho ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, phổ biến nhất là dùng quá liều gây tác dụng phụ nguy hiểm. Cùng với đó, chưa có bằng chứng nào cho thấy lợi ích của thuốc giảm ho một cách rõ ràng ở trẻ em. Thay vào đó, bố mẹ có thể dùng các phương pháp không dùng thuốc để giúp trẻ giảm ho như uống nhiều nước, giữ ẩm cổ họng để hạn chế kích thích niêm mạc đường hô hấp gây phản xạ ho. ‏

photo-1690282946829

‏Không nên tự ý cho trẻ mắc viêm phế quản sử dụng thuốc tại nhà khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.‏

‏Ngoài ra, để giảm bớt khó chịu cho trẻ bị viêm phế quản, có thể cho trẻ dùng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm các triệu chứng sốt, đau đầu và đau người do viêm phế quản gây ra. Thuốc có thể gây độc cho gan, do đó chỉ nên sử dụng khi cần thiết với liều lượng phù hợp, tránh lạm dụng thuốc. ‏

‏‏Trong điều trị viêm phế quản có thể dùng thuốc giãn phế quản như terbutaline, salbutamol dạng ống hít.Thuốc thường được chỉ định ở trẻ co thắt phế quản với triệu chứng thở khò khè. Cần lưu ý sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc tại nhà cho trẻ.

4 sai lầm thường gặp trong điều trị viêm phế quản, khiến bệnh trở nặng4 sai lầm thường gặp trong điều trị viêm phế quản, khiến bệnh trở nặng

SKĐS - Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, đặc biệt là trong thời tiết mùa hè hiện nay. Tuy nhiên, việc tự ý điều trị tại nhà, chữa bằng mẹo dân gian không đúng cách… có thể khiến bệnh trở nặng, gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Người Viêm Họng Nên Ăn Và Kiêng Thực Phẩm Nào? | SKĐS

‏BSCKII Lý Châu
Trưởng khoa Nội V, Bệnh viện Phổi Hà Nội
Ý kiến của bạn