Trẻ bị viêm phế quản cấp chữa thế nào?

12-03-2023 07:04 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Viêm phế quản cấp ở trẻ là một trong những bệnh lý về nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Bệnh hay gặp ở trẻ trên 5 tuổi, tuy nhiên trên thực tế không phân biệt chính xác được viêm phế quản cấp với viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, nhất là ở những trẻ nhỏ hơn 2 tuổi.

5 sai lầm khi trị viêm phế quản cấp ở trẻ5 sai lầm khi trị viêm phế quản cấp ở trẻ

SKĐS - Thời tiết giao mùa là thời điểm gia tăng nhiều bệnh hô hấp ở trẻ em, trong đó có viêm phế quản cấp. Viêm phế quản cấp ở trẻ cần được phát hiện và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân viêm phế quản cấp ở trẻ em

Viêm phế quản cấp ở trẻ là tình trạng viêm cấp các phế quản lớn và vừa, tiến triển lành tính. Tổn thương chủ yếu ở các tế bào niêm mạc phế quản, có thể lan rộng đến toàn bộ hệ thống phế quản. Có nhiều nguyên nhân gây viêm phế quản cấp ở trẻ, phổ biến là do virus. Trong đó chủ yếu là virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm và á cúm, Rhinovirus và Adenovirus…

Vi khuẩn gây viêm phế quản cũng giống như tác nhân gây viêm phổi cộng đồng, bao gồm tác nhân điển hình và tác nhân không điển hình, đặc biệt nhóm vi khuẩn không điển hình chiếm vai trò quan trọng trong nguyên nhân hay gặp của viêm phế quản cấp ở trẻ em, nhất là trẻ >5 tuổi. Ngoài ra, người ta ghi nhận một số loại nấm và ký sinh trùng cũng có thể gây viêm phế quản cấp ở trẻ.

Biểu hiện viêm phế quản cấp ở trẻ

Các dấu hiệu viêm phế quản cấp ở trẻ khi mới bắt đầu khởi phát có những biểu hiện như: Trẻ ho khan, ho dữ dội từng cơn kèm khàn tiếng nhẹ. Người mệt mỏi, đau tức ngực hoặc nóng rát sau xương ức. Trẻ sốt tăng dần, có thể sốt cao 39 - 39,5 độ C.

Ở giai đoạn toàn phát trẻ ho nhiều hơn, bắt đầu có đờm, đờm có thể có màu xanh hoặc vàng nhầy. Trẻ suy sụp, kém ăn, sốt có thể tiếp tục…

Khi khám các bác sĩ phát hiện trên hình ảnh Xquang phổi hội chứng phế quản, hình ảnh nốt hoặc đám mờ. Xét nghiệm máu thường quy cho thấy bạch cầu tăng, trong đó đa nhân trung tính chiếm ưu thế. Các xét nghiệm vi sinh có thể tìm thấy nguyên nhân gây bệnh trong đờm, dịch mũi họng, dịch rửa phế quản.

Để phân biệt viêm phế quản cấp ở trẻ với các bệnh khác, ngoài việc khám lâm sàng các bác sĩ vẫn cần chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Vì bệnh có thể gây nhầm lẫn với bệnh hen phế quản, viêm phổi, đợt cấp của giãn phế quản, lao…

Trẻ viêm phế quản cấp chữa thế nào? - Ảnh 2.

Viêm phế quản cấp ở trẻ em là một trong những bệnh lý về nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Ảnh minh hoạ.

Chữa viêm phế quản cấp ở trẻ em

Câu hỏi khiến các bậc cha mẹ băn khoăn là nếu trẻ viêm phế quản cấp chữa như thế nào? Tùy từng trẻ các bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể. Với nguyên tắc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như triệu chứng của bệnh.

Nếu trẻ viêm phế quản cấp có nguyên nhân là vi khuẩn thì có thể dùng kháng sinh. Các căn nguyên khác như nấm và kí sinh trùng thì dùng thuốc theo từng nguyên nhân.

Nếu viêm phế quản cấp ở trẻ do virus thì điều trị triệu chứng, không cần dùng kháng sinh. Điều trị các triệu chứng của bệnh như sốt cao dùng hạ sốt, ho nhiều gây mất ngủ, đau ngực nhiều có thể dùng các loại thuốc ho long đờm, kháng Histamin, thuốc giãn phế quản.

Vì vậy, khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị viêm phế quản, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ và đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn chữa bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, cha mẹ cần chăm sóc trẻ bị viêm phế quản cấp đúng cách. Cụ thể nên giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng họng. Hạn chế cho trẻ uống nước lạnh, thay vào đó là nước ấm thật nhiều, bởi điều này sẽ tránh cho trẻ bị tắc sung huyết, đồng thời giúp làm sạch đờm nhớt ở phế quản, giúp trẻ đỡ đau rát và cũng dễ thở hơn.

Không tự ý cho trẻ uống thuốc ho khi thấy con mình ho quá nhiều. Nếu ho giúp trẻ tống hết đờm ra ngoài, thì hoàn toàn lại là việc rất hữu ích, nó sẽ giúp trẻ mau chóng bình phục hơn.

Viêm phế quản cấp ở trẻ khi bị nặng và không có phản xạ ho, cha mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sĩ để có thể điều trị viêm phế quản ở trẻ em đúng cách và hút đờm ra ngoài.

Trẻ bị viêm phế quản cấp nếu có sốt nhẹ chỉ cần uống nhiều nước, mặc đồ thoáng mát. Không nên ủ kín trẻ hoặc mặc đồ có nhiều chất liệu tổng hợp. Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ thì có thể cho trẻ uống hạ sốt và giảm đau theo khuyến cáo của bác sĩ.

Điều cha mẹ cần lưu ý nếu trẻ bị cảm lạnh hay bắt đầu bị ho hoặc sổ mũi, thì cũng nên điều trị dứt điểm ngay, để tránh các biến chứng về sau. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện thở mệt, thở nhanh, da tái hoặc không ăn uống, nôn mửa... thì nên đưa trẻ tới bệnh viện ngay trước khi quá muộn, vì khi đó trẻ đang gặp nguy hiểm.

Mời độc giả xem thêm video:

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.




BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn