Ngày 1-3, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình và Bỏng của bệnh viện vừa phối hợp với đoàn bác sĩ tuyến trên tầm soát số trẻ em bị dị tật ở địa phương và vùng lân cận. Đồng thời tiến hành mổ thành công cho 5 ca. Trong đó có 2 ca vẹo cổ do co rút cơ ức đòn chủm.
Có gần 30 em được cha mẹ đưa đến khám đều có dị tật, bệnh lý và phần nhiều do bẩm sinh. Các bệnh lý thường gặp gồm vẹo cổ do co rút cơ ức đòn chủm, trật khớp háng, bại não, ngực lõm…
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Tiếp khám cho bé Diệp Khả Hân, sinh 2013 và sau mổ
Trong số các bé được mổ lần này là bé Diệp Khả Hân, sinh 2013, ở Nha Trang. Mẹ của bé cho biết, càng lớn lên thấy bé càng bị nghiêng cổ sang một bên, đi khám mới biết bé bị chứng vẹo cổ. Bác sĩ chuyên khoa II, Phan Văn Tiếp (Chuyên gia về Chấn thương – Chỉnh hình nhi ở TP.HCM), người trực tiếp khám và trưởng kíp mổ cho bé chia sẻ: Những trường hợp trẻ bị chứng vẹo cổ kể trên, phụ huynh không nên lo lắng, chúng tôi đã mổ rất nhiều những ca như thế và đều thành công. Ca mổ chỉ diễn ra chưa đầy 30 phút, tuy nhiên phụ huynh phải hết sức lưu ý, khi bé có ý thức và kiểm soát được bản thân thì nên thực hiện mổ. Đồng thời người nhà phải kiên trì tình nguyện làm “Kỹ thuật viên” lâu dài giúp cho bé. Theo đó, phải thực hiện thật chuẩn các vật dụng y tế, kiên trì tập, phục hồi chức năng cho bé nhìn thẳng, không nghiêng cổ…ít nhất cũng phải từ 3 đến 5 năm. Thậm chí cho đến khi nào thành công mới thôi.
Cuối cùng, các bác sĩ khuyên các gia đình khi thấy trẻ bị dị tật, cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn kịp thời. Bởi vì có rất nhiều dạng dị tật khác nhau, có trường hợp cần mổ sớm, có trường hợp phải đợi để trẻ thực sự biết kiểm soát hành vì. Ngoài ra còn cần thêm các chỉ số khác như cân nặng, thể trạng…