Trẻ bị tổn thương da nặng do dị ứng chậm

12-12-2024 09:37 | Y tế
google news

SKĐS - Bị dị ứng chậm do thuốc, một trẻ 8 tháng tuổi bị hội chứng SJS vừa được Bệnh viện Sản nhi Nghệ An điều trị kịp thời. Bệnh tuy ít gặp nhưng rất nặng, nguy cơ nhiễm trùng cao, suy đa tạng và tử vong

Ngày 12/12, Khoa Nội nhi Tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, vừa điều trị kịp thời cho 1 trường hợp trẻ 8 tháng tuổi bị tổn thương làn da nặng do dị ứng chậm (Hội chứng Stevens-Johnson - SJS).

Trẻ bị tổn thương da nặng do dị ứng chậm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bệnh nhi N.Đ.L (8 tháng tuổi, trú tại huyện Nam Đàn, Nghệ An) vào viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt, ban đỏ trên da, rải rác bọng nước toàn thân, một số đã vỡ, rỉ dịch. Một số vùng da bong trợt từng mảng lớn để lại nền da màu đỏ, kết mạc mắt đỏ, chảy nhiều ghèn, loét miệng, viêm mũi xung huyết, trẻ đau, quấy khóc nhiều.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng SJS và nguyên nhân ban đầu xác định dị ứng chậm do thuốc (cách nhập viện 3 tuần trẻ xuất hiện ho, gia đình tự dùng thuốc kháng sinh và thuốc ho không rõ loại).

Trẻ nhanh chóng được làm các xét nghiệm cận lâm sàng, phối hợp với các chuyên khoa mắt, răng hàm mặt đưa ra phác đồ điều trị và chăm sóc cho trẻ. Sau 10 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhi được cải thiện tốt và xuất viện trở về nhà.

Theo BS.CKII Nguyễn Chí Sỹ, Trưởng khoa Nội nhi Tổng hợp thông tin, hội chứng SJS là một tình trạng dị ứng chậm nghiêm trọng, thường liên quan đến phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc (kháng sinh, an thần, kháng virus,…); nhiễm trùng (nhiễm Mycoplasma pneumoniae hoặc một số loại vi khuẩn/virus khác) hoặc một số nguyên nhân khác (tiêm vắc xin, huyết thanh;…).

Hội chứng SJS là một bệnh da cấp tính, cấp cứu với nhiều tổn thương hình bia bắn và dát đỏ, hoại tử da, tổn thương cũng có ở niêm mạc, biểu hiện đầu tiên bao gồm như sốt, đau nhức mắt và khó chịu khi nuốt, các triệu chứng này xuất hiện trước biểu hiện da một vài ngày.

Tổn thương da trong SJS là những dát đỏ bờ không rõ, xuất huyết vùng trung tâm, 1 số có bọng nước, các tổn thương hợp với nhau thành những bọng nước lớn, trẻ đau nhiều. Các tổn thương niêm mạc như Mắt: mắt như kết mạc mắt viêm đỏ, khó mở dính mi mắt, sợ ánh sáng…; Họng: trợt niêm mạc miệng hầu họng, đau, trẻ ăn kém; Mũi: trợt, loét gây đau, rát; Trợt loét niêm mạc sinh dục, hậu môn; Trợt loét niêm mạc thực quản, dạ dày, ruột. Bệnh tuy ít gặp nhưng rất nặng, trẻ có thể không ăn được hoặc không mở mắt được và có rối loạn nước và điện giải. Nguy cơ nhiễm trùng cao, suy đa tạng và tử vong.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của hội chứng SJS có thể cứu sống bệnh nhân, vì thế cần lưu ý các triệu chứng cảnh báo như: sốt cao kèm theo đau họng, mệt mỏi, phát ban đỏ trên da, bắt đầu từ mặt, ngực và dần lan rộng khắp cơ thể... Khi xuất hiện một trong những dấu hiệu trên sau khi sử dụng thuốc khoảng 1-3 tuần hoặc có biểu hiện nhiễm trùng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Hội chứng SJS là một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ trẻ em nào, đặc biệt là khi trẻ sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc bị nhiễm trùng. Vì vậy, nhận thức đúng đắn về nguyên nhân, dấu hiệu và các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh cần cảnh giác không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ một cách bừa bãi và theo dõi sức khỏe của trẻ, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Bài tập phòng và hỗ trợ phục hồi cho bệnh nhân lồng ruộtBài tập phòng và hỗ trợ phục hồi cho bệnh nhân lồng ruột

SKĐS - Lồng ruột là bệnh lý nghiêm trọng cần được can thiệp y tế kịp thời. Việc tập luyện nhẹ nhàng có tác dụng hỗ trợ phục hồi chức năng tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sức khỏe đường ruột và phòng tái phát cho người mắc hội chứng lồng ruột.

Bệnh nhi 10 tháng tuổi hoại tử ruột non do khối lồng ruột lớn | SKĐS



H. Yến - V. Đồng
Ý kiến của bạn