1. Công dụng của cà rốt với sức khỏe
Củ cà rốt rất giàu caroten (tiền vitamin A) khi ăn vào sẽ được cơ thể chuyển hóa dễ dàng thành vitamin A ở ruột và gan. Vitamin A là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt là phát triển của các mô trong hệ cơ xương.
Vitamin A giúp duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc, bảo vệ mắt, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ, trong có tiêu chảy.
Ngoài ra, cà rốt cũng là loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất khác rất tốt như: vitamin B, C, D, E, acid folic, kali…
Trong cà rốt còn có nhiều chất chống oxy hóa quan trọng như: beta carotene, alpha carotene, phenolic acid, glutathione... đã được chứng minh là có khả năng hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và có khả năng bảo vệ nuôi dưỡng tái tạo làn da.
Nước ép cà rốt là một nguồn dinh dưỡng giàu vitamin A nhất. Do thành phần có hàm lượng beta caroten cao và giàu các vitamin và khoáng chất khác, nước ép cà rốt có khả năng ngăn ngừa một số bệnh.
Đối với trường hợp bị rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy nhẹ có thể sử dụng cà rốt, bởi vì trong thành phần của cà rốt có tính chất hút chất nhầy, làm giảm nhu động ruột, làm cho nhu động ruột trở lại bình thường.
Trong y học cổ truyền, cà rốt còn được sử dụng làm thuốc bổ dưỡng phục hồi sức khỏe. Theo đó, cà rốt có vị cay ngọt, tính bình, không độc; có tác dụng tăng cường tiêu hóa, hỗ trợ trị suy nhược cơ thể, chữa suy dinh dưỡng trẻ em và cầm tiêu chảy.
2. Trẻ bị tiêu chảy ăn nhiều cà rốt có tốt không?
Theo TS. BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên bộ môn Nhi, chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh tiêu chảy.
Đối với trẻ bị tiêu chảy, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn đủ chất với thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu để cung cấp đủ năng lượng và giúp trẻ nhanh hồi phục.
Các món ăn sử dụng cà rốt như súp cà rốt, cháo cà rốt cũng rất dễ ăn, dễ hấp thu, thích hợp với trẻ nhỏ, nhất là trẻ biếng ăn, tiêu chảy.
Tuy nhiên cần lưu ý, tuy dễ ăn và giàu dinh dưỡng nhưng cha mẹ cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều cà rốt hoặc ăn liên tục cháo cà rốt mà không sử dụng đa dạng các thực phẩm khác vì có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng hoặc thừa vitamin A.
Cà rốt chứa hàm lượng beta caroten cao (khi ăn vào sẽ được cơ thể chuyển hóa dễ dàng thành vitamin A). Nếu ăn cà rốt nhiều và thường xuyên, cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten. Chất này sẽ ứ đọng lại trong cơ thể gây vàng mắt, vàng da, chán ăn (nhiều người dễ nhầm tưởng là bị bệnh gan).
Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn cà rốt 2-3 lần/tuần, mỗi lần 30 - 50g. Trong trường hợp trẻ bị vàng da, ăn uống kém, cha mẹ nên ngừng cho trẻ ăn cà rốt và các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A khác. Chứng vàng da sẽ dần biến mất. Sau đó có thể ăn lại nhưng ở mức độ vừa đủ.
3. Một số thực phẩm nên dùng cho trẻ bị tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, trẻ cần nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn. Nên cho trẻ uống các loại nước như: nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín…
Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, súp cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.
Để bổ sung dinh dưỡng, trẻ cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như các loại cháo: cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ… giúp trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.
Cần hạn chế thực phẩm gây kích thích và có thể làm tổn thương đường tiêu hóa như: thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường; cà phê, nước ngọt có gas; đồ ăn chưa chín kỹ, không an toàn; thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng…
Xem thêm video đang được quan tâm
Cách bảo quản trái cây và rau quả luôn tươi ngon mùa hè