Hà Nội

Trẻ bị sốt nên ăn gì cho nhanh khỏi?

SKĐS - Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân do cơ thể của trẻ chưa đáp ứng được sự điều tiết của môi trường tự nhiên nên khi nhiệt độ thay đổi, thời tiết nóng bức, trẻ thường ra nhiều mồ hôi dẫn đến cơ thể dễ bị mất nước.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây sốt ở trẻ em như: Do một số bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (viêm họng cấp, viêm amidan cấp, viêm phế quản, thanh quản, viêm phổi cấp tính); do phản ứng của cơ thể khi gặp yếu tố lạ hoặc phản ứng của cơ thể để sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Ví dụ như sốt nhẹ sau khi tiêm vaccine, sốt khi trẻ mọc răng, say nóng, say nắng...

photo-1689787228308

Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau

Trong một số trường hợp sốt thông thường, người bệnh có thể tự khắc phục các triệu chứng bệnh tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng sốt cao do nhiễm trùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần nhanh chóng đưa người bị sốt đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ càng nhỏ tuổi càng phải chú ý và theo dõi khi trẻ sốt tránh để trẻ bị sốt cao gây co giật rất nguy hiểm.

1. Bài thuốc sắc hỗ trợ hạ sốt

Thành phần: Kim ngân hoa 8g, liên kiều 8g, kinh giới tuệ 5g, ngưu bàng tử 5g, cát cánh 5g, bạc hà 4g, trúc diệp 4g, cát căn 6g, thăng ma 6g, cam thảo 8g, sắc uống ngày 1 thang.

Gia giảm:

  • Nếu sốt cao, môi khô miệng khát gia sinh thạch cao 15g, sài hồ 6g.
  • Hầu họng sưng đau gia bản lam căn 10g, thuyền thoái 3g, huyền sâm 6g, xạ can 6g;
photo-1689787229159

Dưa hấu có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, giải khát và chống sốt.

2. Món ăn hỗ trợ điều trị hạ sốt

- Canh trứng gà lá tre: Lá tre 10g, trứng gà 1 quả. Nấu lá tre với 600ml nước, còn 150ml, vớt lá tre ra; đập trứng gà vào một cái bát riêng, bỏ lòng đỏ ra, chỉ dùng lòng trắng; đổ lòng trắng vào nồi nước sắc, đun nhỏ lửa cho đến khi lòng trắng trứng đặc lại; hòa thêm chút đường trắng cho đủ ngọt là được; chia ra 2 lần ăn trong ngày, liên tục trong nhiều ngày.

Lá tre có tác dụng thanh thử nhiệt (chống nắng nóng). Lòng trắng trứng gà có tác dụng tư âm thanh nhiệt. Hai thứ kết hợp, tạo nên tác dụng thanh thử nhiệt, dưỡng âm, sinh tân, chỉ khát, đồng thời còn bổ sung protein cho cơ thể.

- Nước rau muống mã thầy: Rau muống 200g, mã thầy 10 củ. Rau muống rửa sạch, cắt ngắn; mã thầy gọt bỏ vỏ, thái lát; sắc lấy nước, chia ra 2 lần uống trong ngày. Trẻ tương đối lớn có thể ăn cả rau muống và mã thầy. Rau muống và mã thầy đều có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng dưỡng âm, sinh tân dịch và thanh thử nhiệt.

- Dưa hấu: Đối với trẻ còn nhỏ, dùng phần thịt quả và vỏ trắng (gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài) ép lấy nước, chia ra cho trẻ uống trong ngày. Đối với trẻ lớn, hàng ngày có thể cho trẻ ăn 500g dưa hấu hoặc ép nước cho uống. Theo Đông y, dưa hấu là có vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, giải khát và chống sốt.

Đây là những bài thuốc đông y nhằm hỗ trợ khi trẻ sốt để nâng cao sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng, cha mẹ đọc tham khảo. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn phải thực hiện hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt theo khuyến cáo của bác sĩ tránh để tình trạng trẻ sốt cao ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Mời bạn xem thêm video:

Điều trị đau thắt lưng


ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
Nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện 108
Ý kiến của bạn