Trẻ bị nổi mụn nước trên da, chuyên gia khuyến cáo gì?

16-04-2021 11:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Theo ghi nhận bệnh tay chân miệng đang gia tăng, đã có trẻ tử vong. Nhiều cha mẹ thấy bé bị nổi mụn nước trên da lo lắng không biết con mình có phải bị bệnh tay chân miệng hay không?

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, đôi khi bệnh tay chân miệng rất dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như thủy đậu, sốt virus, loét miệng,..

Để nhận biết có phải bé mắc bệnh tay chân miệng hay không, cha mẹ nhận biết các biểu hiện của bệnh. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em qua các giai đoạn như:
 -Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày.
 -Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
 -Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh: Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Sốt nhẹ. Nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

Ngoài ra cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến những sự thay đổi của con trong thời gian bé bị bệnh tay chân miệng, cụ thể là:

-Trẻ bị tay chân miệng có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao. Vì thế, cha mẹ cần phải theo dõi và đo nhiệt độ trẻ liên tục. Nếu trẻ sốt hơn 38 độ hoặc 38.5 độ thì bắt đầu cho bé uống thuốc hạ sốt. Khi trẻ sốt hơn 39 độ và cũng đã uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hết sốt thì cần đưa trẻ đến bệnh viện.

LÀM SAO ĐỂ PHÁT HIỆN BỆNH SỚM ?

Trẻ có những biểu hiện sau: trẻ quấy, bỏ ăn, miệng nhiều nước miếng, có tiếp xúc với trẻ bị tay chân miệng. Dấu hiệu bóng nước: miệng, lòng bàn tay,chân, gối, mông, khủy.

- Bé có thể bị giật mình, co giật chới với. Đây là hiện tượng bé đang ngủ bỗng bị giật mình chới với, không phải chỉ có giật mình. Cha mẹ cần phân biệt rõ, giật mình tức là bé có cử động chân, tay, bé trằn trọc khó ngủ. Còn giật mình chới với là bé rung hẳn cả người và có cảm giác muốn té, bị mất thăng bằng.
Ngoài ra, những dấu hiệu khác như: bé quấy khóc liên tục, da bé “nổi bông”, bé đi loạng choạng, tay chân run rẩy....

Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang không ổn và cần phải đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị. Không nên chậm trễ bởi bệnh tay chân miệng có diễn tiến cấp tính rất nhanh. Chỉ sau 6 đến 12 tiếng là có thể trở nên rất nặng và sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc điều trị sau đó.

Theo các chuyên gia, như vậy, việc làm đầu tiên nếu thấy bé nổi mụn cần đưa bé đến khám thêm ở bệnh viện để chắc chắn là bé có bị tay chân miệng hay không?  Cha mẹ không được tự ý cho bé uống một loại thuốc gì nếu chưa có chỉ định của các bác sĩ.

Xem thêm: Vì sao bệnh tay chân miệng có khả năng tái phát và nguy hiểm?

[Chuẩn] chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà với 3 chú ý quan trọng

[Video] Bệnh tay chân miệng vào mùa, cha mẹ nên cẩn trọng ngay cả khi trẻ ngủ\

Số mắc tay chân miệng tăng 4 lần, Bộ Y tế yêu cầu phòng chống khẩn

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.


Hà Đăng
Ý kiến của bạn