Trẻ bị lác, chữa muộn ảnh hưởng đến thị lực

15-03-2017 22:10 | Đời sống
google news

SKĐS - Bệnh lác hay lé mắt không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhược thị và rối loạn thị giác. Do vậy, việc phát hiện và điều trị sớm mới hi vọng tìm lại đôi mắt đẹp về thẩm mỹ và tốt về chức năng là rất cần thiết.

Bệnh lác hay lé mắt không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhược thị và rối loạn thị giác. Do vậy, việc phát hiện và điều trị sớm mới hi vọng tìm lại đôi mắt đẹp về thẩm mỹ và tốt về chức năng là rất cần thiết.

Quan niệm sai lầm

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, ở nước ta có tới khoảng 2 - 3 triệu người bị lác. Điều đáng nói là hiện tượng lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều gia đình đưa trẻ đi khám, chữa muộn, gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì thực tế có đến 70% trẻ lác mắt có kèm các tật khúc xạ. Nhiều gia đình lúc mới sinh bé không phát hiện ra tình trạng lác mắt, cho tới 4 - 5 tháng tuổi, thấy em bé nhìn nghiêng đi khám mới phát hiện ra tình trạng lác mắt. Tuy nhiên, hiện nhiều bậc cha mẹ quan niệm trẻ sơ sinh yếu chưa khám vội để lớn chút nữa đi khám, đến khi lớn, đi khám các bác sĩ còn phát hiện cháu bị tật viễn thị nặng, đây là triệu chứng điển hình của những trẻ bị lác. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhược thị và rối loạn thị giác.

Theo TS.BS. Nguyễn Văn Huy - Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương, trẻ bị lác có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được khám phát hiện sớm, điều trị đúng.Nếu nghi ngờ trẻ bị lác, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.

Nếu nghi ngờ trẻ bị lác, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.

Có thể gây mất thị lực

TS.BS. Huy cho biết: Lác mắt (hay còn gọi là lé) là khi ta nhìn một vật phía trước hai mắt không thẳng hàng mà có một mắt lệch đi so với mắt kia. Lác mắt gây biến đổi thị giác nghĩa là bình thường hai mắt nhìn song song gọi là đồng trục khi nhìn một vật ta thấy một vật, một hình nhưng khi lác thì trẻ nhìn một vật sẽ thành hai còn gọi là song thị.

Với trường hợp lác, cơ thể của trẻ đáp ứng hình ảnh bằng cách ứng chế những hình ảnh của một mặt vì vậy xuất hiện hiện tượng thị lực bên mắt bên bị lác giảm gọi là hiện tượng nhược thị. Bên cạnh đó, trường hợp bị lác còn gây mất sự phối hợp thị giác của hai mắt (mất thị giác hai mắt). Như vậy có thể nói lác mắt gây ảnh hưởng rất nặng, đầu tiên là giảm thị lực.

Lác mắt có kèm các tật khúc xạ khác

TS.BS. Huy cho biết, trẻ lác mắt thường đi kèm với các tật khúc xạ, một số trường hợp có thể bị cận thị, có thể là viễn, loạn thị. Thường là lác trong (mắt lệch vào trong) thường đi kèm với các tật viễn thị. Còn lác ngoài (mắt đưa ra ngoài) thường đi kèm với tật khúc xạ cận thị, đặc biệt là người bị cận thị nặng. Một số trường hợp lác còn kèm theo với loạn thị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lác, tuy nhiên hiện nay chưa xác định rõ ràng vì bản thân những trường hợp lác còn do sinh lý của phần nhãn. Ở một số trường hợp sinh non cũng có thể bị lác. Nhiều nghiên cứu cho rằng lác cũng có tính chất gia đình, do trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị lác thì con cũng có thể xuất hiện bị lác.

Cách phát hiện sớm trẻ lác

Cách phát hiện cũng đơn giản, bố mẹ hoặc người chăm sóc thường xuyên khi quan sát trẻ thấy hai mắt nhìn không cân, một mắt nhìn thẳng một mắt nhìn ra ngoài hoặc một mắt nhìn thẳng một mắt nhìn vào trong hoặc lên trên, xuống dưới. Trên thực tế lâm sàng các bác sĩ cho biết nhiều gia đình đưa trẻ đến khám lại nói rằng người phát hiện ra trẻ bị lác là cô giáo. Khi cô giảng bài nhìn thấy trẻ có hiện tượng hai mắt nhìn không đồng tâm, một mắt lệch so với mắt bên kia. Cũng có một số trường hợp trẻ kêu mỏi mắt, nhức mắt hoặc là khó chịu ở mắt. Thậm chí một số trường hợp trẻ nhìn kém đi khám bác sĩ cho biết trẻ kèm theo cả dấu hiệu lác. Ngoài cách quan sát thì có thể chiếu một nguồn sáng vào mắt trẻ sẽ thấy chính giữa tâm của lòng đen có 2 chấm phản quang sáng ở ngay chính giữa. Nếu mà rọi nguồn sáng như thế mà 2 chấm nằm chính giữa của 2 lòng đen 2 mắt đó không bị, còn nếu chấm đó nằm lệch một mắt, một nằm chính giữa thì mắt đó bị lác.

Không phải lác là phẫu thuật

Không phải trường hợp nào lác cũng cần phải phẫu thuật ngay. Đây là câu trả lời cho những băn khoăn của nhiều người, vì khi sinh bé phát hiện bị lác sợ phải phẫu thuật khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng về vấn đề sức khỏe của bé và nhiều vấn đề khác nữa. Điều quan trọng trẻ bị lác sẽ được các bác sĩ thăm khám và xác định xem có tật khúc xạ hay không, nếu có tật khúc xạ sẽ được đeo kính, nếu trẻ bị nhược thị thì phải tập để phục hồi thị lực. Sau khi trẻ đã đeo kính, tập phục hồi nhược thị sẽ được kiểm tra độ lác. Nếu vẫn còn lác lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để chỉnh cho 2 mắt thẳng. Cũng có nhiều  trường hợp bố mẹ nhìn cảm giác lác nhưng đến khám thì lại không bị lác mà do cấu tạo phân mạc 2 hốc mắt gần nhau hoặc xa nhau.

Tóm lại, trẻ bị lác không chỉ đơn giản là vấn đề thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến thị lực, vì vậy nếu nghi ngờ trẻ bị lác các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá và được điều trị đúng, TS. Huy khuyến cáo.


Khánh Quyên
Ý kiến của bạn